Chất lượng không khí trong nhà là gì? Làm cách nào để nhận biết không khí trong nhà bị ô nhiễm?

Nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy ngột ngạt, khó chịu, hít thở khó khăn mặc dù sức khỏe bình thường thì có thể đó là dấu hiệu không khí trong nhà bị kém chất lượng. Thực tế, có thể bạn đang hít phải chúng mỗi ngày ngay trong chính ngôi nhà của mình. Vậy, chất lượng không khí trong nhà là gì? Làm cách nào để nhận biết IAQ trong nhà của bạn có đạt chất lượng hay không? Hãy cùng KPTCHEM tìm hiểu ngay nhé!

Chất lượng không khí trong nhà là gì? Nguyên nhân khiến IAQ kém?

Bạn đã biết?

  • Theo EPA, ước tính người dân dành khoảng 90% thời gian để ở trong nhà. Trong đó, khoảng 2,4 tỷ người trên toàn thế giới (khoảng một phần ba dân số toàn cầu) nấu ăn bằng lửa hở hoặc bếp kém hiệu quả chạy bằng dầu hỏa, gỗ, gas và than, tạo ra ô nhiễm không khí có hại cho hộ gia đình.
  • Theo WHO, tính đến năm 2020, mỗi năm có khoảng 3,2 triệt người chết do không khí trong nhà bị nhiễm độc, trong đó có hơn 237.000 ca tử vong là trẻ em dưới 5 tuổi. WHO cũng nhấn mạnh phụ nữ và trẻ em là những đối tượng thường phụ trách các công việc nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa nên sức khỏe dễ bị ảnh hưởng nặng nề do tiếp xúc nhiều hơn với các khí thải và vật chất độc hại phát sinh từ việc sử dụng nhiên liệu và các thiết bị gây ô nhiễm trong nhà.
  • Không khí trong nhà kém chất lượng có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau gây ra, bao gồm các chất tẩy rửa gia dụng, VOC có trong nước sơn tường, đồ nội thất và vật liệu xây dựng, khói thuốc lá, hoặc khí thải từ các vật dụng gia đình, thiết bị gas, khí thải giao thông hoặc khí thải từ các nhà máy gần đó. Trong đó, khói thuốc lá góp phần gây ô nhiễm không khí trong nhà cao gấp 10 lần so với động cơ diesel.
  • Các chất gây ô nhiễm kể trên có liên quan đến nhiều tác động sức khỏe khác nhau, bao gồm các bệnh về đường hô hấp, bệnh phổi, bệnh tim và các bệnh ung thư khác nhau.
  • Việc tiếp xúc với các hạt bụi mịn có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bất kỳ bệnh ung thư nào lên 22%.

Chất lượng không khí trong nhà là gì?

Chất lượng không khí trong nhà (IAQ) là chất lượng không khí bên trong các công trình, khu vực sống và làm việc của chúng ta chẳng hạn như nhà ở, tòa nhà, căn hộ, văn phòng, bệnh viện và các không gian công cộng khác. Chất lượng không khí trong nhà đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của con người cũng như đánh giá mức độ an toàn và thoải mái của môi trường này đối với con người, nhưng khi có sự hiện diện của các chất ô nhiễm không khí có thể bị suy giảm chất lượng. Trong số đó có thể kể đến như các hạt bụi, hạt vi khuẩn, hạt bức xạ, khói, mùi, hơi hữu cơ và hóa học.

Trước đây, không nhiều người thật sự quan tâm đến vấn đề này. Nhưng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 buộc mọi người phải cách ly, khi đó vấn đề chất lượng của không khí tại nhà mới thật sự được chú ý. Thậm chí, nó trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều người, trong các cơ sở giáo dục, y tế,… Khi chất lượng không khí trong nhà kém, nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm các triệu chứng dị ứng, viêm phế quản, đau đầu, mệt mỏi và cảnh báo nguy cơ nhiễm độc hóa học.

tìm hiểu về chất lượng không khí trong nhà 1
IAQ là một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Ảnh minh họa.

Không chỉ ô nhiễm môi trường bên ngoài, rất nhiều hoạt động từ sinh hoạt hàng ngày của gia đình cũng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng của không khí, từ việc sử dụng bếp gas để nấu bữa tối, cho đến đốt nến thơm khi bạn đọc sách, hay nướng thịt trên bếp than,... Trong khói bếp chứa carbon monoxide, carbon dioxide cùng các hạt vật chất gây ô nhiễm như bụi, nấm mốc,… có thể làm chất lượng không khí trở nên tồi tệ hơn. Hít phải chúng thường xuyên sẽ gây ra những tác động tiềm ẩn với sức khỏe con người.

Vì thế, đảm bảo luồng không khí tươi được cung cấp đủ và hiệu quả vào các không gian trong nhà cũng là một yếu tố quan trọng để cải thiện IAQ. Ngoài ra, kiểm soát độ ẩm và loại bỏ các hạt bụi và vi khuẩn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì không khí trong nhà sạch sẽ và an toàn.

Không khí trong nhà kém chất lượng tác động đến sức khỏe như thế nào?

  • Gây kích ứng: Một trong những triệu chứng sớm nhất là mắt, mũi, họng, hệ hô hấp và da bị kích ứng. Đó là những phản xạ của cơ thể cho biết bạn đang hít thở không khí kém chất lượng ở nồng độ thấp trong thời gian ngắn.
  • Dị ứng: Khi IAQ bị ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm như lông thú cưng, phấn hoa, bụi hoặc khói sẽ gây ra một số phản ứng dị ứng ở người. Đó có thể là viêm mũi, thở khò khè, co thắt phế quản làm hạn chế lượng oxy đưa vào cơ thể.
  • Các bệnh về hô hấp: Theo thống kê từ WHO, đến năm 2020 thế giới có khoảng 3,2 triệu người chết sớm vì liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà. Trong số những trường hợp tử vong sớm, 21% là do nhiễm trùng đường hô hấp dưới. 
  • Bệnh phổi: Phổi là cơ quan quan trọng của hệ hô hấp, vì thế ngoài các bệnh về hô hấp IAQ kém còn tác động lên sức khỏe của phổi. Các chất gây ô nhiễm như VOC, oxit nito và các hạt bụi mịn là tác nhân hàng đầu gây bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).
  • Bệnh tim: Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), hít thở không khí kém chất lượng làm cho các động mạch bị thu hẹp khiến lượng máu và oxy đến tim ít hơn, gây ra bệnh tim mạch vành có thể dẫn đến đau tim và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Bệnh ung thư: Radon - một loại khí phóng xạ tự nhiên không màu, không mùi được tìm thấy trong các ngôi nhà trên khắp thế giới. Hít thở loại khí này thường xuyên là nguyên chính gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc lá. Theo EPA, lượng radon ở một nơi cụ thể phụ thuộc vào tính chất của đất như độ xốp, độ ẩm, thời tiết và sức hút bên trong ngôi nhà.

Làm cách nào để nhận biết không khí kém chất lượng tại nhà?

Ngày nay, với chiếc máy đo không khí nhỏ gọn sẽ giúp bạn nhận biết mức độ ô nhiễm của không khí ngay tại nhà một cách dễ dàng. Có thể bạn rất chú trọng đến việc hít thở và kiểm tra chất lượng không khí định kỳ, đó là một thói quen tốt. Song, bạn đã thực sự hiểu hết những nguyên nhân, hay các loại vật chất gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí hay chưa? Một lần nữa, hãy cùng KPTCHEM thử kiểm chứng lại kiến thức của mình ngay sau đây nhé!

Nguyên nhân khiến chất lượng không khí trong nhà bị suy giảm...

Ngay cả khi bạn thường xuyên làm cho ngôi nhà mình trở nên thông thoáng bằng cách mở cửa sổ thì chất lượng không khí vẫn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác, như: 

1. Cháy và khói

Nhà bạn có lò sưởi bằng củi? Thật không may, nó có thể cung cấp một lượng lớn khí thải độc hại mỗi khi bạn đốt củi để sưởi ấm. Bất cứ thứ gì cháy hoặc tạo ra khói đều có thể gây ô nhiễm không khí, bởi chúng có chứa nhiều khí độc hại như CO, CO2, hay NOx và các chất ô nhiễm khác có hại cho sức khỏe con người.

tìm hiểu về chất lượng không khí trong nhà 2
Khói thải ra từ các hoạt động thường ngày như nấu ăn có thể khiến không khí trong nhà bị ô nhiễm. Ảnh minh họa.

Không chỉ lò sưởi, những món đồ như: nến, thuốc lá, bếp gas,… có trong mỗi gia đình đều sản sinh ra rất nhiều khói khi bạn đốt cháy chúng. Ngoài ra, nếu hàng xóm của bạn có thói quen đốt lá cây và rác thì khói từ đó cũng có thể xâm nhập vào nhà bạn khiến chỉ số IAQ trở nên tồi tệ hơn.

2. Đồ dùng gia dụng

Nhiều món đồ gia dụng có thể thải ra các loại khí độc hại gọi là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), các hợp chất này có nồng độ trong nhà cao hơn gấp 5 lần so với ngoài trời. VOC có trong vật liệu xây dựng như: nước sơn tường, chất trám khe, chất kết dính,… hay trong những thứ mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày như: chất tẩy rửa, mỹ phẩm, máy làm mát không khí. Ngoài ra, thảm, đồ thủ công và thậm chí những món đồ nội thất như: bàn ghế, tủ áo, kệ tivi,… mới mua đều có thể thải VOC vào không khí.

3. Thú cưng

Bạn yêu thú cưng của mình, và chúng tôi cũng vậy. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là IAQ có thể kém hơn do lông của chúng thải ra. Động vật có vú có thể làm rụng lông và bay vào không khí, chúng có thể lơ lửng trong không khí và xuất hiện khắp nơi trong nhà. Đối với một số người, lông thú cưng có thể gây ra phản ứng dị ứng và gây khó thở, chảy nước mắt, chảy nước mũi và ngứa da. Thậm chí lông thú cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn.

4. Nấm mốc

Nhiều người biết rằng nấm mốc không phải là thứ được phép “làm khách” trong nhà. Bởi các bào tử nấm mốc rất nguy hiểm và có thể gây ra các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng ở người, như:

  • Gây kích ứng da, mắt, mũi và họng.
  • Góp phần làm trầm trọng hơn các cơn hen suyễn.
  • Theo WHO, nấm mốc có thể giải phóng độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe như ngộ độc cấp tính, suy giảm miễn dịch, và ung thư.

5. Ô nhiễm ngoài trời

Có thể không có cách nào ngăn chặn ô nhiễm không khí ngoài trời lọt vào trong nhà. Đối với những ngôi nhà ở khu công nghiệp, khu vực gần nơi đốt rác thải hay các thành phố lớn có mật độ giao thông cao, ô nhiễm từ bên ngoài sẽ dễ dàng xâm nhập vào ngôi nhà khi bạn mở cửa ra vào, hoặc đơn giản là mở cửa sổ cho thoáng. Ngay cả khi bạn đóng cửa cả ngày thì bụi bẩn và các hạt vật chất ô nhiễm vẫn có thể xâm nhập vào bên trong qua những vết nứt hay các ô thông gió, minh chứng rõ ràng nhất là các lớp bụi ám trên bề mặt bàn ghế và tường, hay khói chứa lượng lớn khí carbon từ quán thịt nướng ngoài trời gần đó len lỏi xuất hiện trong nhà bạn.

tìm hiểu về chất lượng không khí trong nhà 3
Bụi bẩn và các chất gây ô nhiễm vẫn có thể len lỏi vào ngôi nhà ngay cả khi bạn rất ít khi mở cửa. Ảnh minh họa.

... Với các chất gây ô nhiễm không khí phổ biến

Có vô vàn tạp chất khác nhau bay lơ lửng trong không khí mà chúng ta hít thở mỗi ngày, bao gồm cả những hạt bụi bẩn, bào tử nấm mốc, lông thú cưng, phấn hoa,… và các loại khí độc hại như carbon monoxide (CO), oxit nitơ (NOx),… Nhưng khi nói đến các chất gây ô nhiễm trong nhà, phổ biến nhất là VOC, ozone, bụi mịn và sulfur dioxide (SO2).

1. Bụi mịn

Hạt bụi lơ lửng trong không khí có nhiều kích cỡ khác nhau. Cơ thể con người có những bộ lọc và cơ chế tuyệt vời để loại bỏ các hạt bụi thông thường khi chúng ta hít thở. Song, với bụi mịn thì điều đó không hề dễ dàng, với kích thước siêu nhỏ chúng được xem là sát thủ vô hình của con người. Trong đó:

- Bụi PM10 là vật chất hạt thô có kích thước nhỏ hơn một sợi tóc, bao gồm các chất ô nhiễm như nấm mốc, phấn hoa,...

- Bụi PM2.5 là những hạt siêu nhỏ, bao gồm khói từ thuốc lá, bếp lò, lò sưởi và nến.

- Bụi PM0.1 còn được gọi là loại bụi siêu mịn có khả năng đi sâu hơn vào các bộ phận của phổi, thậm chí là qua máu, và mang theo các chất ô nhiễm khác như kim loại nặng, VOC, PAHs,… gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Thật không may, bụi mịn không chỉ đến từ khí thải tự nhiên, khí thải xe cộ, mà còn đến từ việc nấu ăn, hút bụi, thậm chí là từ việc sử dụng máy in và các máy văn phòng khác.

2. Khí CO

Là một loại khí không màu, không mùi nhưng rất độc hại và nguy hiểm. Khí CO trong nhà có thể được sinh ra từ việc đốt lò nung, lò sưởi, máy phát điện, khói thuốc lá,… Khi vào cơ thể, carbon monoxide khiến carboxyhemoglobin hình thành trong máu gây ức chế hấp thụ oxy dẫn đến các triệu chứng như đau ngực, mệt mỏi, chóng mặt, giảm chức năng não, đau đầu, suy giảm trí nhớ,… Nếu hít thở khí CO thường xuyên hoặc nồng độ cao có thể gây tử vong.

3. VOC

Là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, phổ biến trong nhiều sản phẩm và vật liệu gia dụng. VOC bay hơi ở nhiệt độ phòng và góp phần làm giảm chất lượng không khí trong nhà. Bạn có thể tìm thấy các hợp chất này trong sơn, thảm, gỗ ép, chất tẩy rửa gia dụng, đồ nội thất, keo dán, bút đánh dấu,… Tiếp xúc với VOC có thể gây hại cho sức khỏe của bạn như kích ứng mắt, mũi, họng, tổn thương gan, thận và hệ thần kinh trung ương. Một số VOC cũng gây ung thư.

4. NOx

Các oxit nitơ sinh ra khi nhiên liệu cháy ở nhiệt độ cao, rất độc và có tính phản ứng cao. Loại khí này thường đến từ khí thải giao thông và các nhà máy phát điện. Tiếp xúc với oxit nito có thể gây kích ứng hệ hô hấp, làm trầm trọng thêm các triệu chứng của những người đang hoặc có tiền sử bệnh hô hấp. Thậm chí, nếu hít thở trong thời gian dài có thể gây ra bệnh hen suyễn.

5. SO2

Là một loại khí độc được sinh ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Các nguồn phát thải lưu huỳnh dioxide chính là các cơ sở công nghiệp, bao gồm các nhà máy phát điện, chế biến kim loại và các phương tiện chạy bằng dầu diesel. Khi tiếp xúc với SO2 sẽ gây cảm giá khó thở, giảm chức năng phổi và các triệu chứng hen suyễn trầm trọng hơn. Lượng khí thải lưu huỳnh dioxide cao cũng có thể tạo ra SOx, hoặc tạo thành các hạt vật chất độc hại khi phản ứng với các hợp chất khác trong không khí.

6. Ozon (O3)

Tầng ozon đối lưu hay còn gọi là ozon mặt đất - một trong những thành phần chính mà chúng ta thường gọi là sương khói. Nếu như ozon xuất hiện tự nhiên trong tầng bình lưu rất có lợi vì chúng tạo thành lớp bảo vệ Trái đất khỏi tia UV, thì ozon trên mặt đất được tạo ra từ phản ứng hóa học của các chất gây ô nhiễm không khí (NOx, VOC,…) lại rất độc hại, có thể gây ho, khó thở, đường hô hấp bị tổn thương, phổi yếu, và làm trầm trọng hơn bệnh hen suyễn, khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính.

Một số cách kiểm tra chất lượng không khí trong nhà thông dụng nhất

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát được ô nhiễm không khí, nhưng ít nhất bạn vẫn có thể bảo vệ sức khỏe cho những người thân yêu bằng cách cải thiện chất lượng không khí bên trong ngôi nhà của bạn. Điều đó bắt đầu bằng việc xác định mức độ chất gây ô nhiễm được tìm thấy trong nhà và hãy tìm cách để khôi phục lại không khí trong lành. Dưới đây là một số cách kiểm tra chỉ số IAQ thông dụng nhất để tham khảo!

1.Đánh giá các triệu chứng sức khỏe

Khi bạn đã biết được các nguyên nhân và các chất gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng không khí phổ biến trong nhà, hãy thử theo dõi và đánh giá lại các triệu chứng sức khỏe của bản thân trong vài tuần. Các triệu chứng bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bạn đang có những phản ứng với ô nhiễm như: buồn nôn và lú lẫn có liên quan chặt chẽ đến khí carbon monoxide trong nhà, cổ họng ngứa ngáy hoặc chảy nước mắt thường là dấu hiệu của phản ứng dị ứng với các chất ô nhiễm tiềm ẩn,…

Đồng thời, việc làm hữu ích này cũng giúp bạn khoanh vùng khu vực cụ thể hoặc một thời gian cụ thể trong ngày cơ thể xuất hiện các triệu chứng.

2.Máy đo chất lượng không khí, ô nhiễm không khí

Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng đáng nghi có liên quan đến IAQ thì sử dụng máy đo chất lượng không khí là một cách hiệu quả để xác định vấn đề và giúp bạn sớm tìm ra giải pháp đưa không khí trong lành trở lại ngôi nhà của mình.

Các chỉ số chất lượng không khí quan trọng bạn nên lưu ý khi mua máy:

  • Độ ẩm: Cho biết khả năng nấm mốc phát triển.
  • Nhiệt độ
  • VOC (Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi): Các loại khí độc hại từ đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, đồ nội thất,…
  • Mức độ hạt vật chất (PM10, PM 2.5): Đây là mức độ của bụi mịn, bụi siêu mịn và các chất gây dị ứng khác có trong không khí.
  • AQI (Chỉ số chất lượng không khí): Một phép đo chất lượng không khí mà EPA sử dụng để xác định nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm trong nhà và ngoài trời.
  • Carbon dioxide
  • Carbon monoxide

3.Theo dõi nồng độ Carbon monoxide và Radon

Hai trong số những chất nguy hiểm nhất có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà là carbon monoxide và radon. Trong đó, Carbon monoxide - một loại khí không mùi, không màu, có thể tích tụ với nồng độ cao có thể gây nguy hiểm ở những khu vực thông gió kém - còn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”. Do vậy, bạn nên thường xuyên giám sát khí này trong nhà, đồng thời tạo điều kiện để không khí trong và ngoài phòng được lưu thông.

Với Radon, EPA xác định đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Vì thế, khi phát hiện nồng độ hai chất này trong không khí nhà bạn, tốt nhất bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia ngay lập tức.

4.Máy lọc không khí trong nhà

Máy lọc không khí là thiết bị làm sạch không khí bằng phương pháp giải phóng các ion tích điện âm khiến các chất ô nhiễm bám vào các bề mặt xung quanh. Một số sử dụng bộ lọc HEPA để sàng lọc và hút các hạt vật chất từ không khí.

Với thực trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, việc trang bị máy lọc không khí là điều mà các chuyên gia khuyến cáo mọi gia đình, nhất là với người mắc bệnh hen suyễn và dị ứng. Thiết bị này có thể giúp lọc bỏ các hạt vật chất và một số mối lo ngại trong không khí. Bạn có thể tự tạo một thiết bị lọc không khí đơn giản tại nhà với bộ lọc HEPA bán sẵn trên thị trường, nhưng nếu có thể, bạn nên lựa chọn các mẫu máy lọc không khí dùng cho gia đình như Ebraco E3 hoặc Ebraco E600, với bộ lọc HEPA cùng bộ lọc thô, bộ lọc than hoạt tính, bộ lọc xúc tác lạnh,… giúp máy vừa có khả năng lọc bụi mịn PM10 và PM2.5 vừa có các tính năng hiện đại khác như: cân bằng độ ẩm, khử khuẩn,… và đạt hiệu quả lọc đến 99,97% bụi bẩn ngay lần đầu tiên.

5.Nhờ sự hỗ trợ từ chuyên gia

Nếu cần đây bạn đã tu sửa lại nhà cửa, hoặc sửa chữa lại hệ thống ống nước, hay phát hiện nấm mốc phát triển thì chất lượng không khí trong nhà của bạn có thể đang bị ảnh hưởng. Điều đó càng thể hiện rõ hơn khi bạn thường xuyên bị:

  • Kích ứng mắt, mũi hoặc cổ họng
  • Nhức đầu
  • Chóng mặt
  • Mệt mỏi, uể oải

Ngoài ra, sự hiện diện của radon thậm chí còn khó nắm bắt hơn. Tốt nhất, nếu gặp phải bất kỳ những dấu hiệu kể trên bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế và nhờ sự hỗ trợ từ chuyên gia để xác định các nguồn ô nhiễm không khí tiềm ẩn trong nhà.

FAQ

Tôi có thể làm gì khác để mang đến chất lượng không khí tốt hơn cho gia đình mình?

Một biện pháp phòng ngừa rủi ro sức khỏe do chất lượng không khí là sống ở những khu vực có bầu không khí ít bị ô nhiễm. Hãy tìm hiểu qua những thành phố có chất lượng không khí tốt nhất ở Việt Nam và cân nhắc việc di nơi sống để cải thiện chất lượng không khí khi bạn hít thở.

Tôi có thể tin tưởng kết quả từ máy kiểm tra chất lượng không khí trong nhà không?

Khi lắp đặt và sử dụng theo hướng dẫn, máy sẽ hiển thị các chỉ số chất gây ô nhiễm hoặc mức độ ô nhiễm trong nhà bạn. Kết quả này tương đối chính xác và hoàn toàn có thể tin tưởng. Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện các chất nguy hiểm như radon hoặc carbon monoxide, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia để tìm hiểu cách cải thiện chất lượng không khí cho nhà bạn.

Sulfur dioxide, oxit nitơ, carbon monoxide và carbon dioxide: Chỉ số nào quan trọng khi kiểm soát IAQ?

Một số máy kiểm tra chất lượng không khí có xu hướng nhồi nhét thêm nhiều cảm biến ô nhiễm và hiển thị chúng lên màn hình. Điều này có thể gây nhầm lẫn bởi một số chỉ số không thật sự cần thiết trong việc chẩn đoán các vấn đề về chất lượng không khí trong nhà. Chẳng hạn như:

  • Sulfur dioxide: chủ yếu được giải phóng từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và thường không phải là yếu tố gây ô nhiễm không khí trong nhà.
  • Các oxit nitơ: thường được thải ra do khí thải từ các phương tiện giao thông hay khí thải từ nhà máy điện, và chúng không phải là tác nhân đáng kể gây ra các vấn đề về không khí trong nhà.
  • Carbon dioxide: có thể tăng đến mức không an toàn trong môi trường trong nhà nhưng lại góp mặt trong quá trình trao đổi chất của con người.
  • Carbon monoxide: được tìm thấy trong khí thải từ động cơ, máy phát điện, bếp gas, lò sưởi,… nó có thể tăng đến mức nguy hiểm trong không gian kín.

Mặc dù cả 4 loại khí kể trên đều độc hại và ảnh hưởng đến sức khỏe, song, đối với việc kiểm soát IAQ chúng ta chỉ cần theo dõi hai chỉ số quan trọng là carbon dioxide và carbon monoxide.

Hy vọng với những kiến thức trên đây sẽ giúp ích cho bạn trong việc cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Nếu bạn dành sự quan tâm đặc biệt đến chủ đề này, hãy theo dõi KPTCHEM và chúng ta sẽ đồng hành cùng nhau ở những kỳ tiếp theo.

Bài viết liên quan: AQI là gì?

  • Từ khóa liên quan:
  • IAQ là gì
  • ô nhiễm
  • không khí
  • nhà cửa
  • sức khỏe
  • bệnh hô hấp
  • nhịp sống
Online Support
Ms. Thắm Nina
Ms. Thắm Nina
0908 901 955
Ms. Phương Anh
Ms. Phương Anh
0938 892 002