Khí SOx là tập hợp những loại khí độc hại - thành phần quan trọng gây ô nhiễm môi trường, tạo ra những cơn mưa axit và hiệu ứng nhà kính. Hãy cùng KPT Chem tìm hiểu rõ hơn về định nghĩa SOx là gì và những tác hại của khí thải SOx với môi trường.
SOx là gì? SOx có màu gì? Khí SOx có mùi gì?
Sulfur oxide (SOx) hay Oxit lưu huỳnh là tên gọi chung của bất kỳ hợp chất nào của lưu huỳnh và ôxy. Một số oxit lưu huỳnh tồn tại ở dạng chất khí, một số là chất lỏng và hạt rắn. Trong số các oxit lưu huỳnh thì SO2 - một loại khí không màu, có mùi hăng khó chịu như mùi của que diêm cháy - là nguy hiểm nhất. Một lượng lớn SO2 được hình thành trong quá trình đốt cháy nhiên liệu có chứa lưu huỳnh.
Nguồn gốc của khí SOx?
-
Trong tự nhiên, loại khí này thường xuất hiện trong khí núi lửa và một số suối nước ấm. Nhưng, 99% lưu huỳnh dioxit trong khí quyển đến từ các hoạt động của con người. Chẳng hạn như đốt than, dầu và khí đốt để tạo ra điện và nhiệt. Khi than và dầu đốt cháy, lưu huỳnh có trong chúng kết hợp với oxy trong không khí để tạo ra oxit lưu huỳnh. Chế biến quặng khoáng sản có chứa lưu huỳnh và đốt công nghiệp nhiên liệu hóa thạch cũng là nguồn tạo ra oxit lưu huỳnh trong khí quyển.
-
Trong công nghiệp, lưu huỳnh dioxit được điều chế bằng cách đốt cháy lưu huỳnh trong không khí hoặc oxy hoặc các hợp chất của lưu huỳnh như: iron pyrite, copper pyrite.
-
Trong phòng khí nghiệm, điều chế bằng cách khử axit sunfuric (H2SO4) thành axit sunfurous (H2SO3), axit này phân hủy thành H2O và SO2.
Tác hại của Oxit lưu huỳnh?
Oxit lưu huỳnh gây ô nhiễm không khí và gây hại cho phổi của con người, tiêu biểu là chứng khó thở, chóng mặt. SO2 tạo thành các hạt lưu huỳnh, nếu hít phải thường xuyên có thể gây ra bệnh hen suyễn và viêm phế quản. Trong khi hơi SO3 rất độc, nếu hít phải hoặc tiếp xúc có thể gây bỏng da và các cơ quan. Bên cạnh đó, chất gây ô nhiễm và mưa axit là axit sunfuric - được tạo thành từ các oxit lưu huỳnh kết hợp với các giọt nước trong không khí - rất có hại cho thực vật, cá và các sinh vật sống khác. Ngoài ra, SOx còn kết hợp với các phân tử khác để tạo thành các hạt góp phần gây ô nhiễm dạng hạt, tạo ra những làn khói mù lơ lửng trong không khí.
Ứng dụng của khí SOx trong đời sống?
Dù nguy hiểm nhưng loại khí này vẫn được sử dụng trong đời sống và một số ngành công nghiệp. Đơn cử như:
-
SO2 được sử dụng làm chất bảo quản thực phẩm (đặc biệt là hoa quả sấy khô), làm chất làm lạnh, chất khử trùng và chất tẩy trắng.
-
SO3 được sử dụng nhiều trong sản xuất chất nổ, hay cả hai khí SO2 và SO3 thường được sản xuất với số lượng lớn để phục vụ cho quá trình sản xuất axit sulfuric (H2SO4).
Làm thế nào để giảm nồng độ SOx trong không khí?
- Giảm sự ô nhiễm: Các nhà khoa học đã tìm ra nhiều cách khác nhau để giảm lượng lưu huỳnh dioxit thải ra từ các nhà máy điện đốt than là sử dụng loại than có chứa ít lưu huỳnh hơn, hoặc sử dụng biện pháp “rửa” than để loại bỏ một số lưu huỳnh. Bên cạnh đó, có thể lắp đặt thiết bị lọc khí, sử dụng hóa chất xử lý SOx và NOx để loại bỏ khí độc trước khi thải ra môi trường bên ngoài.
- Sử dụng năng lượng thay thế: Một cách tuyệt vời để giảm mưa axit là hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch. Thay vào đó, mọi người có thể sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên như mặt trời và gió. Những nguồn năng lượng này tạo ra ít ô nhiễm hơn và có thể tự tái tạo.
- Giảm khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông: Khí thải từ ô tô, xe tải và các phương tiện giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí. Do đó, ngày nay các nhà sản xuất ô tô được yêu cầu lắp thêm bộ chuyển đổi xúc tác nhằm làm giảm lượng oxit nitơ, oxit lưu huỳnh và các chất ô nhiễm khác khi xe vận hành. Bên cạnh đó, một số dòng ô tô đời mới cho phép sử dụng nhiên liệu sạch thay thế như: điện, xăng sinh học,…