Đại dương là nền tảng cho mọi sự sống trên Trái đất. Chúng đóng vai trò quan trọng giúp ổn định khí hậu qua việc hấp thụ CO2 và nhiệt, đồng thời là “nhà máy” cung cấp oxy cho hành tinh này.
Bên cạnh đó, biển còn cung cấp cho chúng ta nguồn tài nguyên lớn gồm thực phẩm, dầu mỏ, khoáng sản, thuốc men và nhiều phương thuốc tự nhiên, hay các tuyến đường thương mại tạo cầu nối cho chúng ta phát triển kinh tế,… Vì vậy, mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ chúng bằng mọi cách có thể. Sau đây là một số việc đơn giản mà tất cả chúng ta có thể làm để giúp giữ cho đại dương khỏe mạnh.
1. Giảm mức tiêu thụ năng lượng
Bạn có thể không thấy mối tương quan trực tiếp giữa việc bật TV, máy điều hòa, đèn chiếu sáng,… và gây hại cho đại dương. Nhưng thực tế, quá trình tiêu thụ năng lượng của các thiết bị này sẽ góp phần làm tăng lượng khí thải carbon vào khí quyển và làm biến đổi khí hậu. Sự thay đổi đó khiến nước biến ấm lên và axit hóa, băng tan làm mực nước biển dâng cao, gây nguy cơ tuyệt chủng của động vật trên diện rộng.
Để giảm lượng khí thải carbon, hãy tắt đèn và các thiết bị điện khi không cần thiết; sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng như bóng đèn led hoặc có nhãn Energy Star; đi bộ hoặc xe đạp khi có thể;… Những việc làm nhỏ này cũng góp phần vào mục tiêu net-zero emission giảm phát thải khí thải đến mức cân bằng trong hành trình chống biến đổi khí hậu.
2. Hạn chế rác thải nhựa
Nhựa ở khắp mọi nơi. Các sản phẩm bạn mua trong chợ, siêu thị hay cửa hàng tiện lợi đều được bọc trong nhựa, ngay cả một túi rau củ quả cũng được bọc trong nhựa.
Bên cạnh đó, không khó để bắt gặp rác thải nhựa ở các bờ biển du lịch. Nó đến từ ý thức xấu của một bộ phận khách du lịch đến tham quan. Biển mang đến cho chúng ta những cảnh quan tuyệt đẹp để giải trí, và rồi chúng ta ném thẳng rác ra biển, điều đó thật không công bằng!
Sự xuất hiện của nhựa trên các đại dương là mối nguy hiểm lớn đối với sinh vật biển, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh này trên internet. Ảnh: The Ocean Cleanup.
Vì thế, có rất nhiều điều bạn có thể làm để giúp đỡ biển khỏi ô nhiễm rác thải nhựa. Chẳng hạn như tìm cách thay thế một vật dụng bằng nhựa, thực hiện giảm dần mỗi tuần cho đến khi bạn giảm thiểu đến mức tối đa. Có thể bắt đầu bằng việc mang theo một bình nước có thể tái sử dụng nhiều lần thay vì mua chai nhựa dùng một lần rồi vứt chúng; sử dụng giỏ đựng đồ bằng mây thay vì nhựa; dùng các túi PVA thay vì túi nhựa; dùng hộp đựng bằng thủy tinh hoặc thép không gỉ;… Quan trọng hơn cả là ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác thải ra biển.
3. Sử dụng chất tẩy rửa sinh học
Mọi thứ trôi xuống cống đều được đưa đến các nhà máy xử lý nước. Ngay cả khi như vậy, các hóa chất độc hại vẫn có thể đi vào đại dương. Điều này không tốt cho sinh vật biển, hơn nữa chúng ta ăn nhiều hải sản nên cũng không tốt cho chính chúng ta.
Vậy nên, thay vì trả tiền để mua sự độc hại của hóa chất, bạn có thể áp dụng các công thức làm chất tẩy rửa an toàn tại nhà. Ví dụ như nước chanh, baking soda và giấm có thể giải quyết hầu hết các công việc vệ sinh; trong khi washing soda được sử dụng để làm chất tẩy rửa.
Nói như vậy không có nghĩa phủ nhận tính khả dụng của chất tẩy rửa thương mại. Bạn vẫn nên sử dụng chúng khi cần làm sạch những vết bẩn khó khăn, chỉ là hạn chế thay vì lạm dụng hàng ngày.
4. Hãy tái chế khi có thể
Mọi thứ nằm trong thùng rác của bạn đều đi xuống đất hoặc không khí thông qua lò đốt. Dù bằng cách nào, chúng vẫn ở lại trong môi trường, nghĩa là cuối cùng chúng sẽ ảnh hưởng đến đại dương. Cách đơn giản là bạn có thể tái sử dụng những thứ có thể, điều đó sẽ giúp hạn chế lượng rác thải ra môi trường. Đồng thời xử lý có trách nhiệm với các chất tẩy rửa gia dụng, hóa chất thông cống, nước sơn,…
5. Dùng bóng giặt hút vi nhựa
Vi nhựa tách khỏi quần áo khi chúng ta giặt chúng. Trên thực tế, mỗi lần giặt có thể chứa hàng trăm nghìn vi nhựa. Vấn đề là vi nhựa chính là nhựa. Chúng có thể theo dòng nước trôi vào các tuyến đường thủy và bị cá ăn. Sau đó, những ngư dân đánh bắt những con cá đó và đưa lên bàn ăn. Cuối cùng, người bị đầu độc là chính chúng ta.
Vì thế, hãy dùng một quả bóng giặt hút vi nhựa (còn gọi là bóng Cora ball) hoặc bất cứ thứ gì tương tự để giúp “bắt” vi nhựa trước khi chúng trôi xuống cống và ra biển.
Điểm đặc biệt đáng lo ngại của vi nhựa là chúng có thể vượt qua hàng rào máu não - một có chế phòng vệ quan trọng bảo vệ não bộ khỏi độc tố. Nhiều nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng vi nhựa là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề thần kinh.
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với nhựa và chất hóa dẻo có thể phá vỡ hệ thống nội tiết, ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố và chức năng sinh sản. Vi nhựa có thể dẫn đến những thay đổi trong hệ vi khuẩn đường ruột và gây viêm, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe tiêu hóa. Ngoài ra, vi nhựa cũng đã được tìm thấy trong các mô phổi của con người cho thấy nguy cơ đối với sức khỏe hô hấp.
6. Lựa chọn đúng khi mua áo quần
Trong thế giới thời trang, nhiều loại vật liệu đã trở thành yếu tố chủ lực do khả năng thích ứng và chi phí sản xuất rẻ hơn. Thật không may, nhiều loại trong số này có nguồn gốc từ hóa dầu gây ra những rủi ro cho sức khỏe.
Việc mặc những loại vải và vật liệu này trên người và sử dụng chúng trong môi trường gia đình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Hơn nữa, khi bị vứt bỏ chúng sẽ góp phần làm gia tăng lượng rác thải tại các bãi rác và đại dương, nơi chúng có thể tồn tại hàng thế kỷ và gây ra mối đe dọa cho hệ sinh thái biển.
Người ta ước tính rằng hiện có 1,4 triệu nghìn tỷ sợi siêu nhỏ đang ở trong các đại dương và nếu ngành thời trang tiếp tục theo kịch bản kinh doanh như thường lệ, từ năm 2015 đến năm 2050, 22 triệu tấn sợi siêu nhỏ sẽ trôi vào đại dương của chúng ta. Ảnh: Fashion Revolution.
Vậy nên, quan điểm của KPTCHEM rất rõ ràng: Cách hiệu quả nhất để giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn của các loại nhựa này là tránh sử dụng chúng hoàn toàn, dù chúng thường có giá thành rất thấp. Dưới đây là một số loại vải bạn nên biết:
-
Những loại vải KHÔNG NÊN mua: Polyester và Polyester tái chế; Elastane (Spandex); Nylon; Polyurerthane (PU); Polyetylen (PE); Acrylic.
-
Những loại vải NÊN mua là những loại vải tự nhiên bao gồm: vải bông; cotton tái chế; lanh; len; lụa;…
7. Sử dụng các sản phẩm vệ sinh bền vững
Điều này là dành cho phái nữ, các ống tampon có thể là dụng cụ tuyệt vời hỗ trợ chị em trong thời kỳ “dâu rụng”. Nhưng bạn có biết rằng chúng thuộc nhóm đứng dầu trong danh sách những thức góp phần tạo ra rác thải bãi biển. Vì vậy, hãy cân nhắc chuyển sang một một giải pháp thay thế như băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san.
Nếu bạn đã quen dùng tampon và không muốn thay đổi, hãy chọn loại cotton hữu cơ và đựng trong các hộp giấy các-tông có thể phân hủy mà không gây nguy hiểm cho động vật.
8. Tổ chức dọn dẹp bãi biển
Mỗi mảnh rác trôi dạt vào bãi biển cuối cùng đều trôi vào đại dương. Chúng có thể quấn vào cơ thể của loài động vật biển nào đó, hoặc cũng có thể là vào dạ dày của chúng. Điều này sẽ gây hại cho sinh vật biển và khiến chúng sống trong đau đớn.
Bảo vệ môi trường biển có thể bắt đầu từ những việc làm nhỏ bé của chính mỗi cá nhân chúng ta, cho dù bạn tự mình nhặt một vài món đồ hoặc tổ chức một hoạt động thu gom rác thì những nỗ lực của bạn đều sẽ có tác động tích cực. Đây cũng là hoạt động thường niên của tập thể nhân viên KPTCHEM được duy trì trong nhiều năm qua. Hãy lấy cho mình một túi đựng rác tự hủy, có thể cùng một vài người bạn, và chọn ra một ngày đẹp trời để đi thu gom rác dọc theo bãi biển gần khu vực sinh sống.
Qua bài viết này, có thể thấy rằng mọi hành động hàng ngày của chúng ta dù là nhỏ nhặt nhất cũng có tác động lớn đến việc bảo vệ biển và đại dương. Từ việc mua sắm có trách nhiệm, đến thói quen xử lý rác thải tốt, cho đến việc dọn dẹp rác trên biển khi có thể, những quyết định nhỏ mà mỗi chúng ta đưa ra hàng ngày có thể góp phần cải thiện đáng kể đến sức khỏe của hành tinh chúng ta và đại dương. Hãy cùng hô vang khẩu hiệu: Vì môi trường Xanh - Sạch - Đẹp!