Ô nhiễm nhựa trên biển: Thực trạng và giải pháp khắc phục ô nhiễm rác thải nhựa

Nhựa mang lại tiện lợi cho đời sống hiện đại, nhưng cũng để lại hậu quả nặng nề cho môi trường. Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải nhựa trôi ra đại dương, đe dọa sự sống dưới nước và cả con người. Ô nhiễm nhựa không còn là vấn đề của tương lai, mà là khủng hoảng hiện hữu mà chúng ta phải đối mặt ngay hôm nay!

Ô nhiễm nhựa trên biển: Thực trạng và giải pháp khắc phục ô nhiễm rác thải nhựa

Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trên bờ biển vào một buổi sáng tươi đẹp. Làn gió biển thổi nhẹ, sóng vỗ êm đềm, nhưng thay vì cảm nhận được sự trong lành của thiên nhiên, bạn bỗng chợt nhận ra những mảnh nhựa đầy màu sắc lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, từ những chiếc túi nilon bay phấp phới trong gió, cho đến những mảnh chai nhựa lăn lóc trên cát trắng…

Trong nhiều thập kỷ qua, nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại từ bao bì thực phẩm, vật dụng y tế đến đồ gia dụng. Tuy nhiên, sự tiện lợi ấy lại đi kèm với cái giá đắt đỏ mà hành tinh đang phải trả. Mỗi năm, hàng triệu tấn rác thải nhựa bị vứt bỏ bừa bãi, và một phần lớn trong số đó kết thúc hành trình tại đại dương. Biển cả, nơi từng là cái nôi của sự sống giờ đang oằn mình gánh chịu hậu quả từ thói quen tiêu dùng thiếu bền vững của con người. Ô nhiễm nhựa đã và đang trở thành một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ 21.

Mỗi phút trôi qua, khi bạn đang đọc những dòng này, có đến một xe tải đầy rác nhựa đang được “đổ” xuống đại dương. Con số này nghe có vẻ khó tin, nhưng đó chính là thực tế mà các nhà khoa học đang ghi nhận. Trong khi chúng ta vẫn thường nghĩ đến biển cả như một không gian bao la, vô tận, thì thực tế là những đại dương rộng lớn ấy đang dần trở thành những “bãi rác khổng lồ” với các “lục địa nhựa” nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Rác thải nhựa vứt bừa bãi trên những bãi biển
Đây không chỉ là hình ảnh tại một bãi biển nào đó, mà là hiện thực đang diễn ra khắp nơi trên hành tinh xanh của chúng ta. Ảnh: VNExpress.

Có lẽ bạn đang thắc mắc “Những túi nilon tôi vứt đi hôm qua, hay chiếc chai nước suối tôi dùng sáng nay, liệu chúng có thể nào lại xuất hiện giữa đại dương bao la?” Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Bởi lẽ, ô nhiễm nhựa trên biển không chỉ đơn thuần là vấn đề của những ai sống gần bờ biển, mà là hậu quả từ lối sống, thói quen tiêu dùng của mỗi người chúng ta, dù bạn sống ở thành phố hay miền núi, cách biển hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn kilomet.

Vậy chúng ta có đang vô tình biến đại dương thành “bãi rác khổng lồ” của loài người? Và quan trọng hơn, liệu còn kịp thời để chúng ta thay đổi câu chuyện này?

Nguyên nhân của ô nhiễm nhựa biển?

Ô nhiễm nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển hiện nay. Từng mảnh rác thải nhựa nhỏ bé lại có thể gây ra hậu quả khôn lường cho hệ sinh thái đại dương. Nguồn gốc của hiện tượng ô nhiễm rác thải nhựa này bắt đầu từ nhiều hoạt động tưởng chừng vô hại trên cả đất liền và ngoài khơi.

Từ hoạt động trên đất liền…

Phần lớn rác thải nhựa trôi dạt ra biển bắt đầu từ đất liền. Tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, hệ thống quản lý rác thải còn nhiều bất cập. Việc thiếu cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý rác khiến hàng triệu tấn rác thải nhựa bị đổ thẳng ra sông, từ đó trôi dạt ra biển theo dòng chảy tự nhiên.

Song song đó, thói quen tiêu dùng của con người là nguyên nhân không thể bỏ qua. Việc sử dụng tràn lan các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi nilon, ống hút, hộp xốp và chai nhựa khiến lượng rác tăng vọt. Mỗi năm, hàng tỷ sản phẩm nhựa như vậy chỉ được dùng trong vài phút nhưng tồn tại trong môi trường hàng trăm năm, gây ra tình trạng ô nhiễm nhựa kéo dài.

Những vỏ chai nhựa dùng một lần trôi nổi trên biển
Những vỏ chai nhựa dùng một lần được tìm thấy trôi nổi trên một khu vực biển. Ảnh: Shutterstock.

Ngoài ra, hoạt động công nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào lượng rác thải nhựa đại dương. Nhiều nhà máy sản xuất nhựa vô tình để rơi vãi viên nhựa nguyên liệu (microplastic) trong quá trình vận chuyển và xử lý. Những viên nhựa này dễ dàng theo gió, nước mưa và sông ngòi ra đến biển, góp phần làm trầm trọng thêm tình hình ô nhiễm rác thải nhựa.

… Đến hoạt động trên biển

Không chỉ đất liền, chính các hoạt động trên biển cũng là thủ phạm đẩy rác thải nhựa ngập tràn đại dương. Như ngành đánh bắt thủy sản chẳng hạn, đã để lại hàng ngàn tấn lưới nylon, dây thừng và phao bị mất hoặc bỏ lại mỗi năm. Các ngư cụ này không chỉ là rác mà còn được xem là những chiếc “lưới ma” giết chết sinh vật biển trong nhiều năm sau khi bị bỏ lại.

Hay ngành vận tải hàng hải cũng góp phần không nhỏ. Các tai nạn như container rơi xuống biển hay chất thải từ tàu biển không được xử lý đúng cách đều làm gia tăng ô nhiễm nhựa. Ngoài ra, ngành du lịch biển, từ các du thuyền, nhà hàng nổi cho đến các hoạt động giải trí dưới nước cũng tạo ra khối lượng lớn rác thải nhựa đại dương.

Và nhiều yếu tố thúc đẩy khác

Một số yếu tố tự nhiên và xã hội khiến ô nhiễm nhựa lan rộng và khó kiểm soát. Dòng hải lưu đại dương có xu hướng gom rác về các vùng trũng, tạo thành các “lục địa rác thải” như khu vực Thái Bình Dương. Khi xảy ra bão, lũ lụt hay thiên tai, lượng lớn rác nhựa bị cuốn trôi ra biển trong thời gian ngắn, làm tăng nồng độ rác nhựa tại nhiều vùng biển.

Đô thị hóa quá nhanh trong khi hạ tầng xử lý rác chưa theo kịp cũng là một nguyên nhân gián tiếp. Nhiều thành phố ven biển chưa có hệ thống thu gom, xử lý đủ mạnh nên rác thải nhựa theo các cống rãnh, mương nước đổ thẳng ra biển mỗi ngày.

Tác động nghiêm trọng của ô nhiễm nhựa trên biển

Ô nhiễm nhựa không chỉ là vấn đề thẩm mỹ của các bãi biển mà còn là hiểm họa nghiêm trọng với sinh vật biển, con người và toàn bộ hệ sinh thái đại dương.

Đối với sinh vật biển

Hàng trăm nghìn động vật biển chết mỗi năm vì ô nhiễm rác thải nhựa. Rùa biển, một trong những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất, thường nhầm túi nilon với sứa - một món ăn yêu thích của chúng. Khi nuốt phải, túi nilon không tiêu hóa được và gây tắc nghẽn đường ruột dẫn đến tử vong. Nhiều loài cá, chim biển như hải âu cũng ăn phải các mảnh nhựa nhỏ, khiến chúng chết đói vì tình trạng no bụng “giả”.

Thêm vào đó, lưới đánh cá bị bỏ lại trôi nổi khắp nơi gây ra hiện tượng “lưới ma” vô tình bẫy và giết chết hàng loạt cá, rùa, cá heo hay thậm chí cá voi. Không chỉ vậy, hóa chất độc hại từ nhựa rò rỉ ra môi trường biển, tích tụ trong cơ thể sinh vật sống và lan truyền dọc theo chuỗi thức ăn.

Các rạn san hô được ví như “lá phổi” của đại dương cũng không thoát khỏi hậu quả của ô nhiễm nhựa. Khi bị phủ kín bởi rác nhựa, chúng bị giảm khả năng quang hợp và phát triển, dẫn đến suy thoái nghiêm trọng.

Một con rùa bị vướng vào lưới ma
“Lưới ma” là nỗi kinh hoàng với mọi loài sinh vật biển, đặc biệt là rùa biển. Ảnh: Kids Earth.

Đối với con người

Không chỉ dừng lại ở sinh vật biển, ô nhiễm nhựa còn ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Hàng ngày, chúng ta vô tình ăn vi nhựa thông qua việc tiêu thụ hải sản, muối biển hoặc thậm chí trong nước uống. Điều khiến cộng đồng khoa học đặc biệt lo ngại về ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe là kết quả từ nhiều nghiên cứu đã phát hiện vi nhựa trong phổi, máu và cả trong nhau thai.

Bên cạnh vấn đề sức khỏe, kinh tế cũng bị tác động mạnh mẽ. Những bãi biển ngập rác thải nhựa khiến du lịch suy giảm, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ven biển. Ngành thủy sản bị thiệt hại nặng nề khi nhiều loài cá giảm số lượng hoặc chết hàng loạt vì rác nhựa.

Đối với hệ sinh thái biển

Hệ sinh thái biển vốn mong manh, nay càng dễ tổn thương hơn trước sự xâm lấn của nhựa. Vi nhựa len lỏi vào mọi cấp bậc dinh dưỡng, từ sinh vật phù du đến cá voi xanh. Khi một mắt xích trong chuỗi thức ăn bị đứt, cả hệ sinh thái sẽ bị rối loạn.

Suy thoái môi trường sống diễn ra khắp nơi: rạn san hô bị phá hủy, thảm cỏ biển hay nơi sinh sản của nhiều loài thủy sản cũng bị lấp đầy bởi rác. Nghiêm trọng hơn, đại dương mất đi khả năng hấp thụ khí nhà kính carbon dioxide (CO2) làm gia tăng hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy biến đổi khí hậu.

Thực trạng rác thải nhựa trên biển hiện nay và những con số “báo động”

Ô nhiễm nhựa đã đạt đến mức báo động đỏ trên toàn cầu. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm có tới 8 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ xuống đại dương, tương đương cứ mỗi phút có một xe tải rác trút xuống biển. Thực trạng này không chỉ là con số thống kê, mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn nhân loại.

Hiện nay, thế giới đang ghi nhận 5 “lục địa rác nhựa” hay “đảo rác” khổng lồ hình thành bởi dòng hải lưu gom rác, trong đó nổi bật nhất là đảo rác Thái Bình Dương - nơi tập trung hàng triệu tấn nhựa trôi nổi suốt nhiều năm mà không phân hủy. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nó có thể trở thành một quốc gia. Khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là đồng bằng sông Mekong và vịnh Thái Lan, đang trở thành “điểm nóng” của rác thải nhựa đại dương. Trong khi đó, nơi vốn có ít sự lưu thông dòng nước như biển Địa Trung Hải lại ghi nhận mật độ vi nhựa cao kỷ lục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển ven bờ.

Các loại rác thải nhựa phổ biến đang trôi nổi ngoài khơi bao gồm: chai nhựa chiếm 20%, túi nilon 15%, bao bì thực phẩm 12%, lưới đánh cá 10%… Đây đều là những loại nhựa khó phân hủy, tồn tại trong môi trường hàng trăm năm.

Đáng lo ngại hơn, theo báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ, đến năm 2050, khối lượng nhựa trong đại dương có thể vượt qua cả số lượng cá. Khi đó, đại dương có thể sẽ trở thành một “bể nhựa khổng lồ” không còn khả năng tự phục hồi.

Hộp nhựa và thìa nhựa tồn tại dưới lòng đại dương
Ly, hộp, nĩa nhựa,... dùng một lần được tìm thấy dưới lòng đại dương. Dù mang đến sự tiện lợi nhưng những món đồ nhựa này lại có thể tồn tại trong môi trường đến hàng thập kỷ. Ảnh: Ecowatch.

Chúng ta có thể làm gì để khắc phục ô nhiễm nhựa?

Ô nhiễm rác thải nhựa trên biển là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng giải pháp không nhất thiết phải bắt đầu từ những chính sách lớn hay công nghệ phức tạp. Thực tế, những thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt hằng ngày, khi được nhân rộng có thể tạo nên tác động tích cực to lớn. Dưới đây là 5 hành động cụ thể mà mỗi người trong chúng ta có thể thực hiện để góp phần bảo vệ đại dương khỏi rác thải nhựa.

1. Giảm thiểu sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm nhựa là việc tiêu thụ ồ ạt các sản phẩm nhựa dùng một lần – như túi nilon, ly nhựa, muỗng nĩa nhựa, hộp xốp, ống hút… Những vật dụng này thường chỉ được sử dụng trong vài phút, nhưng có thể tồn tại hàng trăm năm trong môi trường biển.

Việc từ chối đồ nhựa dùng một lần là bước khởi đầu dễ thực hiện nhất. Bạn có thể mang theo túi vải khi đi chợ, sử dụng bình nước cá nhân thay vì mua nước đóng chai, và chọn ống hút kim loại hoặc tre thay cho ống hút nhựa. Trong các buổi tiệc, sự kiện hay ăn uống ngoài trời, hãy ưu tiên đồ dùng tái sử dụng hoặc làm từ nguyên liệu phân hủy sinh học.

Hành động này tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn. Khi một người từ chối dùng túi nilon, họ có thể giảm phát thải hàng trăm túi nhựa mỗi năm, và nếu một cộng đồng cùng hành động con số này có thể lên đến hàng triệu.

2. Hạn chế sử dụng nhựa

Việc làm này tưởng chừng là rất khó, nhưng khi chính sách đi cùng với sự tự nguyện thay đổi hành vi của người dân, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được rác thải nhựa.

Keep me trash free
Hàng trăm người tham gia xếp thành bức tranh “Keep me trash free” trên bãi biển kêu gọi ngừng vứt rác xuống biển. Ảnh: rePurpose.

Một số quốc gia trên thế giới đã chứng minh rằng việc hạn chế sử dụng nhựa không chỉ khả thi mà còn rất hiệu quả. Chẳng hạn, Rwanda - một quốc gia châu Phi nhỏ bé nhưng kiên định với mục tiêu “không nhựa” đã cấm hoàn toàn túi nilon từ năm 2008. Nhờ chính sách nghiêm ngặt và sự đồng thuận từ người dân, Rwanda hiện được mệnh danh là “quốc gia sạch nhất châu Phi”.

Tại Pháp, từ năm 2016, các loại đồ dùng một lần làm bằng nhựa đã bị loại bỏ khỏi siêu thị và cửa hàng bán lẻ. Năm 2020, nước này tiếp tục ban hành lệnh cấm sử dụng đồ dùng bằng nhựa (ly, đĩa, dao nĩa, ống hút, hộp đựng thức ăn dùng một lần,…), thay thế bằng các vật liệu thân thiện môi trường và có nguồn gốc sinh học, và từ năm 2022 cấm bán rau quả đóng gói bằng bao bì nhựa. Kết quả, chỉ trong vòng vài năm tỷ lệ sử dụng nhựa tại Pháp đã giảm đáng kể.

Ở châu Á, Ấn Độ cũng là ví dụ tiêu biểu. Với mục tiêu giảm rác thải nhựa, Ấn Độ đã triển khai nhiều chiến dịch lớn như “Swachh Bharat Abhiyan” (hay còn gọi là Sứ mệnh làm sạch Ấn Độ) và hạn chế sử dụng nhựa trong nhiều bang. Các động thái này không chỉ cải thiện cảnh quan mà còn giảm lượng rác thải nhựa đổ ra sông Hằng – một trong những con sông chính đưa nhựa ra biển.

3. Tái chế rác thải nhựa đúng cách

Không phải loại nhựa nào cũng có thể tái chế, nhưng phần lớn các sản phẩm phổ biến như chai nhựa PET, hộp đựng thực phẩm PP, hay bao bì nhựa PE hoàn toàn có thể được thu gom và tái chế nếu được phân loại đúng từ đầu.

Tại hộ gia đình, hãy tách riêng rác hữu cơ, rác nhựa và rác tái chế khác. Nếu khu vực bạn sống có chương trình thu gom rác tái chế, hãy mang rác đến đúng nơi quy định. Tránh để nhựa dính dầu mỡ, thức ăn hoặc chất thải khác vì điều đó sẽ khiến nhựa không còn khả năng tái chế.

Ngoài ra, việc sáng tạo trong tái sử dụng đồ nhựa tại nhà cũng là một cách giảm ô nhiễm nhựa hiệu quả. Những chai nhựa có thể trở thành chậu trồng cây, đồ chơi, hộp đựng hoặc nguyên liệu cho các công việc DIY (tự làm thủ công). Khi sản phẩm được tái sử dụng nhiều lần, vòng đời của nó được kéo dài, giúp giảm áp lực lên môi trường.

4. Giáo dục và nâng cao nhận thức về môi trường

Thay đổi hành vi bền vững cần bắt đầu từ nhận thức. Bằng cách tổ chức những cuộc thi về môi trường, việc giáo dục bé từ sớm trong phạm vi trường học, gia đình và cộng đồng là một trong những cách bền vững nhất để giảm ô nhiễm nhựa lâu dài. Khi trẻ em được dạy về tác hại của rác thải nhựa, cách phân loại và tái chế, các bạn nhỏ của chúng ta sẽ lớn lên với trách nhiệm và thói quen sống xanh. Minh chứng là những bức tranh vẽ rác thải nhựa trên biển của các em học sinh trong sự kiện “Giải cứu biển không thải nhựa” do Tập đoàn KPTGROUP tổ chức năm 2023 mang đến những dấu hiệu tích cực về ý thức bảo vệ môi trường trong thế hệ trẻ.

Tranh vẽ chủ đề rác thải nhựa trên biển
3 bức tranh vẽ rác thải nhựa trên biển ấn tượng nhất được Ban tổ chức chọn. Ảnh: KPTCHEM.

Cùng với đó, người lớn cũng cần được tiếp cận với thông tin đúng đắn. Các chiến dịch truyền thông sáng tạo, các tranh vẽ rác thải nhựa trên biển, phim tài liệu về nhựa trong đại dương, hay các buổi tọa đàm cộng đồng đều giúp lan tỏa nhận thức và thúc đẩy hành động. Khi người tiêu dùng hiểu rõ hậu quả của ô nhiễm nhựa, họ sẽ cân nhắc kỹ hơn trước mỗi lần sử dụng sản phẩm nhựa.

>> Xem video về “ Ngày hội KPT - Giải cứu biển, không thải nhựa ”.

5. Đổi mới trong quản lý chất thải nhựa ở cấp độ địa phương

Mỗi khu dân cư, mỗi thành phố đều có thể trở thành hình mẫu trong quản lý rác thải nhựa nếu biết ứng dụng những đổi mới phù hợp. Một số sáng kiến đáng chú ý bao gồm:

  • Trạm thu gom nhựa tái chế tự động, nơi người dân có thể đổi chai nhựa lấy điểm thưởng, thực phẩm hoặc vé xe buýt.
  • Mô hình “Không rác” (Zero Waste Community) tại các phường, xã, khuyến khích người dân phân loại và giảm thiểu rác ngay tại nguồn.
  • Ứng dụng công nghệ số để theo dõi lượng rác phát sinh và tối ưu tuyến thu gom, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý.
  • Hợp tác với doanh nghiệp tái chế để tạo ra chuỗi thu gom – xử lý – tái chế khép kín ngay tại địa phương.

Những đổi mới này không chỉ giúp giảm rác thải nhựa ra biển mà còn tạo ra việc làm xanh, nâng cao chất lượng sống và thúc đẩy sự gắn kết cộng đồng.

Theo VietNamNet, từ ngày 1/1/2028, Hà Nội chính thức triển khai chính sách không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon, hộp nhựa xốp,… khó phân hủy sinh học tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại và nhiều chợ dân sinh. Đây là bước đi mạnh mẽ nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường sống và hướng đến phát triển bền vững. Người tiêu dùng được khuyến khích mang theo túi vải, túi giấy hoặc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường thay thế cho túi nilon truyền thống.

Chính sách này không chỉ góp phần cắt giảm lượng rác thải nhựa đổ ra môi trường mỗi ngày, mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ hành tinh. Hà Nội đang từng bước trở thành hình mẫu về lối sống xanh, sạch và thân thiện với hệ sinh thái đô thị.

Kết luận

Đại dương từng là cái nôi của sự sống, là nơi nuôi dưỡng biết bao loài sinh vật và cũng là nguồn sống thiết yếu cho con người. Nhưng giờ đây, những chiếc chai nhựa trôi dạt, những mảnh lưới nilon mắc kẹt nơi rạn san hô đang dần bóp nghẹt sự sống dưới lòng biển. Ô nhiễm nhựa không còn là mối đe dọa trong tương lai, mà nó đã hiện hữu và tác động từng ngày lên hành tinh mà chúng ta đang sống.

Chúng ta không thể đợi đến khi cá biến mất khỏi biển, hay vi nhựa xuất hiện trong máu người mới bắt đầu hành động. Cuộc chiến với rác thải nhựa cần bắt đầu từ những thay đổi nhỏ mỗi ngày, từ lựa chọn của người tiêu dùng đến cam kết của doanh nghiệp và chính sách của các quốc gia.

Tại KPTCHEM, chúng tôi tin rằng trách nhiệm môi trường không chỉ là lời kêu gọi, mà phải trở thành hành động cụ thể. Từ việc cung cấp các giải pháp vi sinh và hóa chất thân thiện với môi trường, đến lan tỏa tri thức về bảo vệ hệ sinh thái nước. Chúng tôi đồng hành cùng cộng đồng trên hành trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa và gìn giữ màu xanh cho biển cả.

Hành tinh này là nhà của tất cả chúng ta. Và để bảo vệ ngôi nhà ấy, mỗi người chỉ cần bắt đầu bằng những việc làm nhỏ từ hôm nay!

Có thể bạn quan tâm

Xem nhiều

Bột thông cống Ecosock - Thông tắc đường ống nhanh chóng

Bột thông cống Ecosock - Thông tắc đường ống nhanh chóng

Sử dụng bột thông cống EcoSock (#8936203030211) là giải pháp xử lý tắc nghẽn hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường, phù hợp với mọi loại đường...

Hóa chất ứng dụng

Men vi sinh EcoClean Septic: Giải pháp sinh học giúp thông tắc bồn cầu tại nhà đơn giản, hiệu quả lâu dài

Men vi sinh EcoClean Septic: Giải pháp sinh học giúp thông tắc bồn cầu tại nhà đơn giản, hiệu quả lâu dài

Bạn đau đầu vì bồn cầu bị nghẹt? Đừng lo, men vi sinh EcoClean Septic sẽ giúp bạn thông tắc bồn cầu tại nhà hiệu quả, đánh bay nỗi ám...

Giải pháp XANH

Những việc đơn giản bạn có thể làm để giúp bảo vệ đại dương

Những việc đơn giản bạn có thể làm để giúp bảo vệ đại dương

Bảo vệ biển và đại dương là việc làm không của riêng ai. Hãy bắt đầu từ những cách đơn giản nhất mà mỗi người đều có thể làm.

Giải pháp XANH

Khí thải NOx là gì? Tác hại và các biện pháp xử lý khí thải NOx hiện nay

Khí thải NOx là gì? Tác hại và các biện pháp xử lý khí thải NOx hiện nay

Khí thải NOx là tên gọi của nhóm khí độc gồm NO và NO2 gây ô nhiễm môi trường không khí, gây ra hiệu ứng nhà kính và mưa axit....

Chất thải, khí thải & nước thải

Tìm hiểu về Axit Sunfuric (H2SO4) và ứng dụng của hóa chất này

Tìm hiểu về Axit Sunfuric (H2SO4) và ứng dụng của hóa chất này

Axit sunfuric (H2SO4) được biết đến là một trong những hóa chất nguy hiểm nhưng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực hiện nay. Để biết thêm về...

Hóa chất ứng dụng

Tìm hiểu về khí Clo: Nguồn gốc, tính chất và ứng dụng thực tiễn

Tìm hiểu về khí Clo: Nguồn gốc, tính chất và ứng dụng thực tiễn

Clo (Chlorine) có công thức hóa học là Cl và công thức phân tử là Cl2, nguyên tử khối là 35.453u. Hôm nay, KPTCHEM sẽ cùng bạn tìm hiểu chi...

Hóa chất ứng dụng

VOC là gì? Nguồn gốc và phân loại VOCs

VOC là gì? Nguồn gốc và phân loại VOCs

VOC (hay VOCs) là thuật ngữ chung của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, một trong những yếu tố làm suy giảm chất lượng không khí trong nhà...

Khám phá

Khí thải SOx là gì? Tác hại và ứng dụng của SOx trong đời sống

Khí thải SOx là gì? Tác hại và ứng dụng của SOx trong đời sống

Khí SOx là tập hợp những loại khí thải độc hại - thành phần quan trọng gây ô nhiễm môi trường, tạo ra chất gây ô nhiễm, mưa axit và...

Chất thải, khí thải & nước thải

Kiểm soát khí thải từ nhà máy nhiệt điện

Kiểm soát khí thải từ nhà máy nhiệt điện

Trong khói thải phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện chứa nhiều thành phần độc hại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe con người. Do...

Chất thải, khí thải & nước thải

SNCR là gì? SCR là gì? Phương pháp nào tốt hơn để giảm NOx?

SNCR là gì? SCR là gì? Phương pháp nào tốt hơn để giảm NOx?

SNCR và SCR là hai trong số những phương pháp xử lý khí thải NOx hiệu quả nhất hiện nay. Trong bài viết này, KPTCHEM sẽ cùng bạn tìm hiểu...

Khám phá

Chất lượng không khí trong nhà là gì? Nguyên nhân khiến IAQ kém?

Chất lượng không khí trong nhà là gì? Nguyên nhân khiến IAQ kém?

Chất lượng không khí trong nhà (IAQ) là chất lượng không khí bên trong các công trình, khu vực sống và làm việc của chúng ta, đóng vai trò quan...

Khám phá

Hướng dẫn sử dụng nước thông cống cực mạnh tại nhà an toàn, đường cống thông thoáng nhanh chóng

Hướng dẫn sử dụng nước thông cống cực mạnh tại nhà an toàn, đường cống thông thoáng nhanh chóng

Sử dụng nước thông cống chuyên dụng là giải pháp thông tắc cống nhanh chóng tức thời. Dù vậy, để việc thông tắc đạt hiệu quả như mong đợi, và...

Mẹo vặt - Thủ thuật

Online Support
Sale 1
Sale 1
0908 901 955
Sale 2
Sale 2
0909 576 800