Bao bì nhựa thực phẩm mang đến sự tiện lợi nhưng lại là nguyên nhân chính tạo ra rác thải nhựa khó phân hủy. Để giảm gánh nặng lên môi trường, giải pháp nằm ở việc quản lý chất thải hiệu quả, bắt đầu từ cách chúng ta sử dụng và xử lý bao bì thực phẩm hằng ngày.

Từ ngày 1/1/2028, Hà Nội sẽ ngừng sử dụng túi nilon, hộp xốp và sản phẩm nhựa dùng một lần tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ và trung tâm thương mại. Người dân được khuyến khích mang theo túi vải, túi giấy hoặc bao bì thân thiện môi trường. Đây là hành động quyết liệt mang tính tích cực nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.
Trong nhịp sống hiện đại, bao bì thực phẩm bằng nhựa đã trở thành một phần không thể thiếu. Chúng giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn, với trọng lượng nhẹ giúp cho việc sử dụng và vận chuyển dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích đó lại là một thách thức lớn hơn đối với môi trường trong việc quản lý chất thải, đặc biệt là rác thải nhựa và chất thải nhựa từ bao bì dùng một lần. Từ tình trạng tích tụ rác trên đến liền đến ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là minh chứng cụ thể cho những vật dụng tưởng chừng như tiện lợi này đã và đang có những tác động tiêu cực đến hành tinh của chúng ta.
Chiến lược quản lý chất thải bao bì nhựa thông minh
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò tích cực của bao bì nhựa trong bảo vệ thực phẩm khỏi vi khuẩn, duy trì độ tươi ngon và giảm thiểu thất thoát. Tuy nhiên, để hạn chế tác động tiêu cực, cần có giải pháp quản lý chất thải hiệu quả, kết hợp giữa việc giảm thiểu số lượng - tái sử dụng và tái chế.
Khi chất thải nhựa không được xử lý đúng, chúng phân rã thành vi nhựa, thấm vào đất, nước và cả thực phẩm chúng ta ăn hằng ngày. Điều này không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là mối lo ngại sức khỏe toàn cầu.
Tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác, quản lý chất thải sinh hoạt ngày càng trở nên cấp bách. Một phần đáng kể trong số đó là rác thải nhựa bao gồm những chiếc hộp, túi, màng bọc thực phẩm đã qua sử dụng. Nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, chúng có thể tồn tại trong môi trường hàng trăm năm, gây hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Theo quy định tại Thông tư 20/2021/TT-BTNMT về quản lý chất thải, việc phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa là trách nhiệm không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn của từng cá nhân và doanh nghiệp. Điều này nhấn mạnh rằng đây không phải là việc riêng của ngành môi trường, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Nếu không thể tái sử dụng, hãy phân loại và tách riêng rác thải nhựa với rác hữu cơ để dễ dàng cho việc tái chế. Ảnh: Eurostat.
Vai trò của người tiêu dùng trong quản lý chất thải
Nhiều người thường cho rằng công tác xử lý rác thải nhựa phải là của chính quyền hoặc các công ty xử lý rác, nhưng thật ra mỗi người tiêu dùng đều có thể trở thành mắt xích quan trọng trong việc kiểm soát chất thải chỉ với những hành động nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Bắt đầu ngay từ lúc bạn chọn mua một sản phẩm có bao bì nhựa tại siêu thị hay chợ, chính thói quen tiêu dùng hàng ngày sẽ quyết định xem bao bì đó trở thành rác nhựa gây ô nhiễm hay sẽ được tái chế, tái sử dụng một cách có ích.
Là người tiêu dùng thông minh, chúng ta có trách nhiệm đảm bảo bao bì thực phẩm bằng nhựa được sử dụng một cách khôn ngoan nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đó. Điều này không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn nhựa khởi đời sống, mà là cách chúng ta quản lý nó trước và sau khi sử dụng.
Cụ thể, việc ưu tiên khi mua sắm là chọn những sản phẩm có bao bì tái chế được hoặc bao bì tối giản, điều này không chỉ giúp giảm lượng chất thải nhựa mà còn góp phần vào xu hướng sản xuất bền vững. Những biểu tượng nhỏ trên bao bì như ký hiệu tái chế, mã nhựa (PET, HDPE, PP…) có thể là chi tiết bị bỏ qua, nhưng lại là cơ sở giúp chúng ta phân loại đúng và xử lý đúng. Đôi khi chỉ cần dành ít thời gian để đọc kỹ một chút, lựa chọn cẩn thận một chút là đã giúp giảm đáng kể gánh nặng lên hệ thống quản lý chất thải sinh hoạt.
Sau khi sử dụng, thay vì vứt bỏ hộp nhựa ngay lập tức, bạn hoàn toàn có thể rửa sạch chúng và tái sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau trong gia đình: đựng đồ khô, chia khẩu phần ăn, đựng dụng cụ nhỏ… Thực ra các nhà sản xuất cũng khuyến khích bạn làm điều đó, bởi nhiều loại thực phẩm hiện nay sử dụng hộp đựng có thiết kế rất đa dạng, từ nhỏ gọn đến kiểu dáng bắt mắt. Việc làm này không chỉ tiết kiệm mà còn kéo dài vòng đời sử dụng của sản phẩm, góp phần giảm phát sinh chất thải nhựa.

Sự thật là chúng ta đã sản xuất đủ số lượng nhựa, giấy và bìa cứng để dùng cả đời rồi. Vậy nên, chỉ cần tái chế chúng. Ảnh: Caldera Lab.
Trong trường hợp không thể tái sử dụng, việc phân loại rác là bước thiết yếu. Tách riêng bao bì nhựa khỏi rác hữu cơ, đảm bảo bao bì không còn thức ăn thừa trước khi đem đi tái chế là một thói quen nhỏ nhưng có tác động lớn đến hiệu quả quản lý chất thải.
Đặc biệt, trong bối cảnh Thông tư 20 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khuyến khích phân loại chất thải tại nguồn, hành vi này không chỉ thể hiện sự văn minh của người tiêu dùng mà còn giúp các cơ sở xử lý rác hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho môi trường.
Cuối cùng, việc lựa chọn mua hàng từ các nhà sản xuất địa phương hoặc doanh nghiệp chú trọng đến bao bì bền vững cũng là một cách gián tiếp để thúc đẩy phát triển theo hướng tích cực. Khi người tiêu dùng thay đổi, thị trường buộc phải thích nghi. Vì thế, đừng xem nhẹ vai trò của bản thân trong bức tranh tổng thể. Từ đó có thể thấy, quản lý chất thải không hề khó nếu mỗi người chúng ta bắt đầu từ chính căn bếp, giỏ đồ đi chợ hay thùng rác trong nhà mình. Từng việc làm, từng hành động có ý thức hôm nay là một bước tiến gần hơn tới một môi trường sạch và một tương lai bền vững.
Doanh nghiệp giữ vai trò là lực đẩy lớn trong quản lý chất thải nhựa
Doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà sản xuất và phân phối thực phẩm đóng vai trò then chốt trong hành trình giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Trong bối cảnh môi trường đang gánh chịu áp lực nặng nề từ chất thải nhựa, việc doanh nghiệp chủ động thay đổi cách thiết kế, sản xuất và thu hồi bao bì không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội mà còn mang lại giá trị bền vững về lâu dài. Một trong những thay đổi đơn giản nhưng có sức ảnh hưởng lớn là thiết kế bao bì theo hướng tối giản, dễ phân loại và dễ tái chế. Thay vì sử dụng các loại bao bì đa lớp, pha trộn nhiều vật liệu khó xử lý, doanh nghiệp có thể chuyển sang dùng một loại nhựa đơn chất chẳng hạn như chỉ sử dụng PET hoặc PP sẽ giúp quá trình tái chế hiệu quả hơn rất nhiều.
Không chỉ dừng lại ở thiết kế, giảm thiểu lượng nhựa trong bao bì cũng là hướng đi cần thiết. Bằng cách tối ưu độ dày, kích thước hoặc sử dụng công nghệ ép mỏng mà vẫn đảm bảo khả năng bảo quản thực phẩm, doanh nghiệp vừa giảm chi phí sản xuất, vừa cắt giảm lượng chất thải nhựa thải ra sau khi tiêu dùng. Đây là bước tiến rất thực tế, mang lại lợi ích kép cho cả nhà sản xuất lẫn môi trường. Bên cạnh đó, việc tích cực sử dụng nhựa tái chế trong sản xuất bao bì mới (còn gọi là nhựa PCR) không chỉ giúp khép kín vòng tuần hoàn nguyên liệu mà còn giảm áp lực khai thác nhựa nguyên sinh từ dầu mỏ – nguồn tài nguyên không tái tạo.
Một điểm đáng chú ý là nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang từng bước triển khai mô hình “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” (EPR) theo đúng định hướng tại Thông tư 20. Điều này nghĩa là doanh nghiệp không chỉ sản xuất xong là xong, mà cần có trách nhiệm trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm, đặc biệt là khâu thu hồi và tái chế bao bì sau tiêu dùng. Khi chính sách này đi vào thực tiễn, các nhà sản xuất sẽ cần xây dựng hệ thống thu gom hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động quản lý rác thải hiệu quả hơn. Đây không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm, nhận được sự ủng hộ lâu dài từ người tiêu dùng.
Ngoài ra, xu hướng đổi mới sáng tạo cũng đang mở ra nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp trong việc thay thế nhựa truyền thống bằng các vật liệu sinh học, phân hủy được trong môi trường tự nhiên như nhựa PVA hay bao bì làm từ tinh bột, mía, rong biển, cellulose. Dù hiện tại chi phí cho những vật liệu này còn cao, nhưng đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng từ bây giờ sẽ giúp doanh nghiệp bắt nhịp xu thế tiêu dùng xanh vốn đang ngày càng lan rộng trong xã hội.

Nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn bao bì nhựa phân hủy sinh học để giảm lượng khí thải carbon và thu hút người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Polythene UK.
Chính phủ và cộng đồng: Nền tảng của hệ thống quản lý chất thải hiệu quả
Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý chất thải hiệu quả, chính phủ và cộng đồng chính là hai mắt xích không thể thiếu. Nếu người dân là những cá thể trực tiếp tạo ra và chịu ảnh hưởng từ chất thải nhựa, thì chính phủ đóng vai trò định hướng, thiết lập khuôn khổ pháp lý và đầu tư hạ tầng để xử lý rác thải nhựa một cách khoa học và bền vững.
Chính phủ trước hết cần đảm bảo rằng hệ thống pháp luật về quản lý chất thải sinh hoạt luôn theo kịp thực tiễn. Việc ban hành Thông tư 20 là một minh chứng rõ ràng cho nỗ lực thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, yêu cầu nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm mở rộng đối với bao bì sản phẩm, đồng thời khuyến khích các mô hình thu gom và tái chế thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để các quy định không chỉ dừng lại trên giấy, rất cần sự đồng hành trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để người dân có thể dễ dàng tiếp cận các điểm tập kết rác thải phân loại, nơi rác có thể được thu gom, xử lý hoặc tái chế hiệu quả mà không bị lẫn lộn, gây lãng phí và ô nhiễm chéo.
Song hành với chính sách, yếu tố truyền thông và giáo dục cộng đồng cũng cần được coi trọng. Việc người dân hiểu đúng về quản lý chất thải, hiểu được tại sao phải phân loại rác thải nhựa, và nhận thấy lợi ích lâu dài cho chính gia đình, khu phố và môi trường xung quanh mình sẽ tạo nên sự thay đổi từ gốc rễ. Chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, trường học, doanh nghiệp,… đều có thể đóng góp vào công cuộc này thông qua các chương trình tuyên truyền, các buổi tập huấn, hay thậm chí những cuộc thi nhỏ về sáng tạo sản phẩm từ rác tái chế. Khi mọi người cùng hành động, tinh thần cộng đồng sẽ trở thành chất xúc tác mạnh mẽ giúp kiểm soát chất thải không còn là điều gì đó xa vời.
Quan trọng hơn cả là niềm tin rằng, mỗi hành động dù nhỏ như đặt đúng loại rác vào đúng thùng, rửa sạch hộp nhựa trước khi bỏ đi, hay chọn mua sản phẩm từ thương hiệu có trách nhiệm với môi trường,… đều góp phần làm giảm thiểu tác động từ rác thải toàn diện. Chính phủ không thể thành công nếu thiếu đi sự chủ động từ người dân, và người dân cũng không thể hành động hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ đồng bộ từ chính sách. Khi hai lực lượng này cùng đồng lòng, hành trình hướng đến một môi trường xanh, sạch, bền vững sẽ không còn là chuyện quá xa xôi.
Kết luận
Thực hiện quản lý chất thải hiệu quả không đòi hỏi những thay đổi lớn lao ngay lập tức. Đó là quá trình bắt đầu từ nhận thức, tiếp tục bằng hành động và lan tỏa trong cộng đồng. Việc dùng bao bì thực phẩm bằng nhựa đúng cách, phân loại rác thải cẩn thận, tái sử dụng hợp lý,… đều là những giảm thiểu rác động từ rác thải thông minh và bền vững.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các bãi chôn lắp trái phép cũng cần được giải quyết để ngăn ngừa tình trạng tích tụ chất thải gây nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, việc tuyên truyền giáo dục về các loại chất thải hữu cơ, vô cơ và cả chất thải nguy hại cũng rất cần thiết. Trong đó, chất thải nguy hại là các chất có chứa các yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc,… gây hại cho sức khỏe con người và môi trường nên không thể được quản lý một cách tùy tiện, chúng phải được xử lý bởi các cơ quản quản lý chất thải được cấp phép và có thẩm quyền.
Qua bài viết này, KPTCHEM muốn nhắn nhủ mọi người thông điệp: “Hãy cùng chung tay hành động từ hôm nay. Vì một môi trường sạch đẹp, vì sức khỏe cộng đồng và vì tương lai của chính chúng ta!”.