Rác thải sinh hoạt được định nghĩa là bất kỳ vật liệu nào được thải ra từ các hoạt động hàng ngày của gia đình. Chúng có thể bao gồm các loại rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, vỏ trái cây, rau củ,… các loại rác vô cơ như bao bì, nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh,… và cả rác thải từ các sản phẩm y tế chăm sóc sức khỏe gia đình.
Mặc dù có thể bạn cố gắng hết sức để tạo ra ít rác thải sinh hoạt nhất có thể, nhưng sự thật là rác vẫn sẽ tích tụ trong nhà. Vì thế, việc xử lý rác thải sinh hoạt đúng cách là rất quan trọng của mỗi gia đình, không chỉ giúp cho ngôi nhà của bạn luôn sạch sẽ, góp phần bảo vệ môi trường xung quanh, mà còn giảm thiểu nhiều tác động xấu đến sức khỏe của chính bạn và người thân trong nhà.
Hướng dẫn xử lý rác thải sinh hoạt đúng cách
Bằng cách phân loại, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy các loại rác khác nhau đòi hỏi dùng phương pháp xử lý khác nhau. Chẳng hạn như những món đồ điện tử vứt đi không thể thực hiện giống với những nguyên liệu thải ra từ nấu ăn. Vậy nên, hãy tham khảo qua hướng dẫn của chúng tôi ngay sau đây để xử lý rác thải đúng cách tại nhà nhé!
Phân loại rác thải trước khi xử lý. Ảnh: Google.
Cách xử lý rác thải thực phẩm
Loại rác phổ biến và thường xuyên nhất trong nhà là rác thải thực phẩm. Điều đặc biệt là chúng dễ bị phân hủy và phát sinh mùi hôi khi phân hủy nên tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao.
1. Xử lý dầu, mỡ thừa
Dầu mỡ và chất béo là những thứ cần đặc biệt lưu ý, không chỉ vì chúng khó xử lý mà nếu thải bỏ sai cách sẽ gây ra rất nhiều phiền toái. Một điều dễ thấy là nhiều chị em nội trợ thường có thói quen đổ phần dầu thừa sau khi sử dụng xuống cống hoặc ống thoát nước, nhưng đó thực sự là một điều tối kỵ. Hệ thống thoát nước của bạn sẽ gặp vấn đề tắc nghẽn khi dầu lại trong đường ống.
Vậy nên, với chất thải loại này, tốt nhất bạn hãy đổ dầu vào lọ thủy tinh hoặc một chiếc bát nhỏ và để nguội, sau đó đổ chúng vào túi nilong bịt kín. Bây giờ bạn đã có thể vứt chúng đi.
2. Làm phân hữu cơ
Nếu bạn có một khu vườn, hãy cân nhắc sử dụng một số rác thực phẩm để ủ phân hữu cơ thay vì lãng phí chúng bằng cách vứt bỏ. Trong rác thải nhà bếp không thiếu những thứ như rau củ quả thừa, vỏ trái cây, vỏ hành tây, giấy vụn, bã cà phê,… Đó đều là những nguyên liệu ủ phân tuyệt vời mà bạn có thể trộn chúng với nhau trong thùng ủ và để chúng tự phân hủy. Sau khi đã thành phân, bạn có thể mang bổ sung vào đất trồng để cung cấp dinh dưỡng giúp cây phát triển tốt và khỏe mạnh hơn.
Ngoài ra, dùng vỏ trứng nghiền nát trộn với phân hữu cơ ngoài việc bổ sung thêm chất khoáng còn giúp đuổi các loài gây hại như sên và ốc sên.
Tuy nhiên, khi làm phân hữu cơ, bạn nên phân loại và lược bỏ những thứ như thịt, xương, dầu mỡ và chất béo ra khỏi vì chúng sẽ gây ô nhiễm khi phân hủy. Ngoài ra, quá trình ủ phân sẽ có thể phát sinh mùi hôi, nên nếu không có thùng ủ phân chuyên dụng bạn cần sử dụng thùng có nắp đậy kín và đặt ở xa nơi sinh hoạt.
Phân compost được ủ từ rác thải nhà bếp và thức ăn thừa. Ảnh: Google.
3. Làm thức ăn cho động vật nuôi
Chó thường rất thích những mẩu xương thịt lớn, không chỉ vì bản năng mà gặm xương còn có thể giúp chúng tăng cường sự chắc khỏe của bộ hàm, giải trí, làm sạch răng,…
Ngoài ra, nếu trong nhà có gia súc, hãy nấu lại phần thức ăn thừa để làm thức ăn cho chúng. Đơn cử là những con lợn (heo) không hề kén ăn mà có xu hướng ăn bất cứ thứ gì bạn cho chúng.
Cách xử lý rác thải nguy hại
Chất thải nguy hại (HHW) là những sản phẩm có chứa các vật liệu nguy hại như chất lỏng dễ cháy, chất ăn mòn, hóa chất độc hại, hoặc những rác thải có nguy cơ lây nhiễm cao,... Thật không may, rác thải sinh hoạt hàng ngày của các gia đình thường chứa nhiều loại chất thải nguy hại khác nhau. (*)
-
Một số ví dụ về HHW như: Acetone, thuốc xịt kiến, chất chống đông, sáp đánh bóng ô tô, keo dán, thuốc nhuộm tóc, thuốc xịt tóc, xút ăn da, nước tẩy sơn móng tay, dung môi pha sơn, pin, xi đánh giày, chất làm sạch hồ bơi, thuốc diệt cỏ,…
-
Các chất tẩy rửa gia dụng được coi là chất thải nguy hại như: chất thông cống, chất tẩy rửa đa năng, amoniac, thuốc tẩy, chất xịt làm thơm không khí, chất tẩy rỉ sét, xà phòng, nước giặt, nước xả vải, chất diệt nấm mốc, chất tẩy rửa bồn cầu,…
Những mặt hàng gia dụng kể trên đều tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, không chỉ cho con người mà còn độc hại khi thải ra môi trường. Vậy nên, rác thải nguy hại không nên vứt cùng với các loại rác thải sinh hoạt thông thường, chúng cần được thực hiện đúng cách. Dưới đây là những khuyến nghị bạn nên làm:
1. Thực hiện theo hướng dẫn ghi trên nhãn: Một số sản phẩm có kèm theo hướng dẫn về cách thải bỏ được dán trên nhãn. Hãy đọc kỹ và làm theo.
2. Tránh để dư thừa: Điều quan trọng là bạn chỉ nên mua đủ số lượng chất tẩy rửa cần dùng. Việc mua quá nhiều trong khi nhu cầu lại ít sẽ gây lãng phí lớn, và làm tăng thêm các HHW.
3. Tái sử dụng: Bằng cách sử dụng lại các sản phẩm (*) bạn đã đóng góp một phần rất lớn vào việc giảm nhu cầu chung về các sản phẩm gia dụng nguy hiểm và lượng chất thải được tạo ra. Ngoài ra, nếu nhà kho trong nhà đã quá chật và không thể bảo quản thêm, bạn có thể cân nhắc quyên góp chúng cho các tổ chức từ thiện, nhà thờ,… hoặc cho hàng xóm, bạn sẽ nhận được những lời cảm hơn chân thành từ những người đang cần sử dụng.
4. Vứt bỏ đúng cách: Với những chất thải dạng lỏng (axeton, dầu nhớt, dung môi pha sơn, thuốc trừ sâu, hóa chất hồ bơi,…), nhiều người thường có xu hướng xả chúng xuống cống. Nhưng thực tế đây là điều cấm kỵ, bởi đây là nguyên nhân gây hư hại hệ thống đường ống thoát nước của bạn. Cách tốt nhất là hãy đổ chúng vào thùng rỗng, dán nhãn cảnh báo và liên hệ đơn vị thu gom chất thải nguy hại của địa phương. Và trong thời gian chờ đợi được xử lý, hãy cất giữ những chất thải này một cách an toàn.
Xử lý rác thải sinh hoạt đúng cách là góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Google.
Biện pháp xử lý rác thải y tế tại nhà
Rác thải y tế tại nhà chủ yếu bao gồm các vật sắt nhọn đã qua sử dụng như: kim tiêm, ống tiêm, kim chích,… và các sản phẩm y tế khác như: băng bẩn, khăn trải giường dùng một lần, găng tay y tế, thuốc,… Chúng đều có khả năng gây hại cao nếu không được xử lý đúng cách.
Vì vậy, để ngăn ngừa thương tích, bệnh truyền nhiễm và ô nhiễm môi trường, hãy thực hiện một số bước đơn giản sau:
1. Đặt tất cả các vật sắc nhọn vào thùng nhựa cứng hoặc kim loại để đảm bảo không bị đâm thủng. Tuyệt đối không đặt nó với các món đồ tái chế khác. Đậy kín thùng bằng nắp và cố định bằng băng dính. Đặt thùng đựng vào túi và vứt bỏ cùng với rác thải gia đình của bạn.
2. Đặt chất thải y tế không sắc nhọn vào túi đựng rác bằng nhựa đục, gấp đôi, buộc chặt trước khi bỏ vào thùng rác cùng với các chất thải sinh hoạt khác.
Trước khi vứt bỏ, hãy khử trùng các vật sắc nhọn bằng nước oxy già hoặc dung dịch gồm 1 thìa thuốc tẩy với 1,5 lít nước.
Cách xử lý rác thải điện tử
Khi nói đến việc xử lý đồ điện tử và rác thải điện tử gia dụng, có một số thứ bạn không nên vứt bỏ như: tivi cũ, máy tính, DVD, CD, điện thoại di động và máy in. Bởi những sản phẩm này đã từng phục vụ rất tốt cho cuộc sống của bạn nhưng lại rất nguy hại cho hành tinh của chúng ta.
Vậy, vứt rác điện tử ở đâu? Nếu bạn muốn xử lý đúng cách loại rác thải sinh hoạt này, hãy tặng chúng cho những người mua ve chai. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang đến những điểm thu hồi rác điện tử miễn phí ở Thành phố Hồ Chí Minh như:
-
UBND Phường 9, Quận 3: 82 Bà Huyện Thanh Quan, P. 9, Q. 3
-
UBND Phường 15, Quận 4: 132 Tôn Thất Thuyết, P. 15, Q. 4
-
UBND Phường 17, Quận Phú Nhuận: 22 Nguyễn Văn Trỗi, P. 17, Q. Phú Nhuận
-
UBND Phường 2, Quận Bình Thạnh: 14 Phan Bội Châu, P. 2, Q. Bình Thạnh
-
Siêu thị Metro An Phú (MM Mega Market): Khu B, KĐT Mới An Phú - An Khánh, P. An Phú, Q.2
Cách xử lý rác thải xây dựng và nội thất nhà ở
Bạn sẽ tạo ra một lượng rác thải lớn cần xử lý khi xây dựng, tân trang nhà cửa hoặc thay thế đồ nội thất. Bên cạnh bán những món đồ cũ còn dùng được theo dạng “thanh lý”, tặng cho ai đó cần dùng, hoặc liên hệ đơn vị thu gom ở địa phương. Dù vậy, một thực trạng phổ biến hiện nay là các món này bị vứt ngổn ngang ở nhiều khu vực như trên cầu, ven kênh rạch, công viên,… gây mất mỹ quan và văn minh đô thị.
Vứt rác thải sinh hoạt ngổn ngang ra môi trường là tình trạng phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Tổng hợp.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu xong những cách xử lý rác thải sinh hoạt gia đình đúng cách. Mặc dù đây chỉ là một hành động nhỏ nhưng những giá trị mà nó mang lại với môi trường sống là rất lớn, góp phần hạn chế ô nhiễm và giữ cho môi trường xanh sạch đẹp.