Chỉ số chất lượng không khí là gì? Những điều cần biết về AQI để bảo vệ sức khỏe của bạn

Ô nhiễm không khí ngoài trời là một vấn đề môi trường ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe con người, ước tính gây ra hàng triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới. Vì vậy, các Cơ quan bảo vệ môi trường sử dụng chỉ số AQI làm thước đo chất lượng không khí để cảnh báo với mọi người về không khí mà họ đang hít thở. Hôm nay, KPTCHEM sẽ cùng bạn tìm hiểu thêm về khái niệm AQI là gì và chỉ số chất lượng không khí như thế nào là an toàn.

 

chất lượng không khí hà nội ”, “ ho chi minh aqi ”, “ aqi ha noi ”, “ aqi là gì ”,… là những cụm từ được tìm kiếm rất nhiều trong thời gian gần đây trên công cụ tìm kiếm Google Trend. Đó là điều dễ hiểu, bởi chỉ số chất lượng không khí tại các thành phố lớn hiện nay thường ở mức 50-100, thậm chí có lúc chỉ số này vượt 100 với thành phần ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5.

chỉ số chất lượng không khí và những điều nên biết về aqi 1
Ô nhiễm không khí tạo nên lớp sương mù vào buổi sáng sớm tại Hà Nội. Ảnh: Internet.

Theo dữ liệu từ IQAir.com, tính đến ngày 1/12/2023, nồng độ bụi PM2.5 tại Việt Nam hiện đang cao gấp 3.3 (tại Hồ Chí Minh) - 5.1 (tại Hà Nội) lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO. Đây là một hồi chuông cảnh báo cho sức khỏe của người dân khi làm việc ngoài trời.

AQI là gì?

AQI là chỉ số chất lượng không khí, được viết tắt của cụm từ Air Quality Index. Theo Wikipedia, AQI là thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí hiện tại hoặc dự báo mức độ ô nhiễm không khí trong tương lai.

Các chỉ số trên thước đo AQI chạy từ 0 đến 500 và được chia thành 6 loại cùng màu sắc khác nhau tương ứng với từng mức độ nguy hiểm. Các rủi ro sức khỏe của cộng đồng tăng lên khi chỉ số AQI tăng.

Bảng chỉ số AQI và chất lượng không khí tương ứng

Chỉ số AQI Màu sắc AQI Mức độ quan tâm Mô tả chất lượng không khí
0 đến 50 Màu xanh lá Tốt Không khí an toàn để hít thở, chất lượng không khí đạt yêu cầu và ô nhiễm không khí gây ra ít hoặc không có rủi ro.
51 đến 100 Màu vàng Vừa phải Chất lượng không khí ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, có thể có rủi ro đối với một số người, đặc biệt là những người nhạy cảm với ô nhiễm không khí như trẻ em và người bị hen suyễn.
101 đến 150 Màu cam Không lành mạnh cho các nhóm nhạy cảm Những người thuộc nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng sức khỏe. Trong khi đa số người khỏe mạnh ít bị ảnh hưởng hơn.
151 đến 200 Màu đỏ Không khỏe mạnh Một số người (ngay cả những người khỏe mạnh) có thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Riêng những người thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm không khí có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn.
201 đến 300 Màu tím Rất không tốt cho sức khỏe Cảnh báo về sức khỏe: Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe ngày càng tăng đối với mọi người.
301 trở lên Màu hạt dẻ Nguy hiểm Cảnh báo sức khỏe về tình trạng khẩn cấp: mọi người đều có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn.

Theo đó, giá trị AQI từ 50 trở xuống (màu xanh lá) thể hiện chất lượng không khí tốt, bằng hoặc dưới 100 thường được coi là đạt yêu cầu. Khi giá trị AQI trên 100, chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe, ban đầu chỉ nhóm người nhạy cảm với ô nhiễm bị ảnh hưởng, sau đó là với tất cả mọi người khi giá trị AQI cao hơn. Và khi chỉ số AQI trên 300, điều đó thể hiện chất lượng không khí bạn đang hít thở ở nguy hiểm.

Ô nhiễm không khí và sức khỏe

Mỗi ngày, khi chúng ta hít thở, một “cơn bão” hạt và phân tử vô tình xâm nhập vào cơ thể gây ra mối đe dọa không chỉ cho phổi. Theo WHO, ô nhiễm không khí ngoài trời là một vấn đề môi trường ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, chỉ xếp sau tăng huyết áp, hút thuốc lá và lượng đường trong máu cao.

chỉ số chất lượng không khí và những điều nên biết về aqi 2
Trẻ em và những người mắc bệnh hen suyễn là nhóm người dễ bị ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm không khí. Ảnh: Internet.

WHO ước tính rằng vào năm 2019, khoảng 37% số ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí ngoài trời là do bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ, lần lượt là 18% và 23% số ca tử vong là do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, và 11% số ca tử vong là do ung thư đường hô hấp.

Những người khác nhau có thể nhạy cảm với các chất gây ô nhiễm không khí khác nhau, trong đó nhóm người nhạy cảm là đối tượng dễ bị tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe. Họ có thể là những người mắc bệnh hen suyễn bởi đây là một căn bệnh có thể gây khó thở.

Một nhóm nhạy cảm khác là trẻ em. Cơ thể vẫn đang phát triển và phổi của trẻ vẫn đang phát triển. Nên nếu bạn có xu hướng cho trẻ chơi bên ngoài nhiều hơn, nơi có không khí ô nhiễm, điều này có thể không tốt cho trẻ.

Nếu chỉ số chất lượng không khí có màu cam, đỏ hoặc tệ hơn, bạn có nên ở nhà cả ngày không?

Không, bạn có thể ra ngoài. Việc tập thể dục và vui chơi ngoài trời có thể giúp cơ thể bạn khỏe mạnh hơn. Nhưng hoạt động trong bầu không khí ô nhiễm có thể khiến bạn cảm thấy một số ảnh hưởng sức khỏe như: ho, đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi,… nếu điều đó xảy ra, hãy trở về nhà sớm nhất có thể.

chỉ số chất lượng không khí và những điều nên biết về aqi 3
Bạn vẫn có thể ra ngoài tập thể dục khi chỉ số AQI ở mức cao nhưng cần có sự cảnh giác với các triệu chứng như ho, ngạt thở, tức ngực,... Ảnh: Internet.

Làm thế nào để nhận biết ô nhiễm không khí có ảnh hưởng đến bạn không?

Nếu cảm thấy hơi khó chịu khi thở, hay cảm thấy tức ngực hoặc bị ho khi đang làm việc ngoài trời, nơi được cảnh báo AQI có màu cam hoặc tệ hơn thì có thể bạn đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Nếu bạn thuộc nhóm người nhạy cảm, hãy chắc chắn làm theo lời khuyên của bác sĩ khi mức độ ô nhiễm cao.

Các chất ô nhiễm chính trong không khí

EPA chỉ ra 5 chất gây ô nhiễm không khí chính, mỗi chất gây ô nhiễm này đều có tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia do EPA đặt ra để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, gồm:

Ozone (O3)

Ozone trên mặt đất - đừng nhầm lẫn với tầng ozone ở tầng trên của khí quyển - là một trong những thành phần chính của sương mù quang hóa và nó được hình thành thông qua phản ứng với các khí khi có ánh sáng mặt trời.

Ô nhiễm hạt (PM)

PM là một chỉ số đại diện phổ biến cho ô nhiễm không khí. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe liên quan đến việc tiếp xúc với chất ô nhiễm này. Thành phần chính của PM là sunfat, nitrat, amoniac, natri clorua, cacbon đen, bụi khoáng và nước.

Carbon monoxit (CO)

Đây là một loại khí độc không màu, không mùi và không vị được tạo ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn các nhiên liệu có chứa carbon như gỗ, xăng, than củi, khí tự nhiên và dầu hỏa.

Lưu huỳnh dioxit (SO2)

SO2 là chất khí không màu, có mùi hăng khó chịu của que diêm cháy. Nó được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch (than, dầu) và nấu chảy chặng khoáng có chứa lưu huỳnh. Trong số các oxit lưu huỳnh thì SO2 là nguy hiểm nhất.

Nitơ dioxit (NO2)

NO2 thường được giải phóng từ quá trình đốt cháy nhiên liệu trong ngành giao thông vận tải và công nghiệp. Là loại khí thuộc nhóm oxit nitơ - nhóm khí thải cực độc gây tác động trực tiếp sức khỏe con người và gây ra hiệu ứng nhà kính. Nitơ dioxit thường xuất hiện dưới dạng khí màu nâu, chúng tạo ra màu nâu vàng của sương mù.

Hiện nay, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí là “chìa khóa” để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Dù vậy, hầu hết các nguồn ô nhiễm không khí ngoài trời đều nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân và điều này đòi hỏi phải có hành động phối hợp của các Cơ quan môi trường, các nhà hoạch định chính sách cấp địa phương, quốc gia và khu vực làm việc trong các lĩnh vực như năng lượng, nhiệt điện, giao thông, quản lý chất thải, quy hoạch đô thị và nông nghiệp.

  • Từ khóa liên quan:
  • chất lượng không khí
  • ô nhiễm không khí
  • sức khỏe
  • môi trường
Online Support
0908 901 955
0909 576 800