Các chỉ tiêu môi trường nước nuôi tôm quan trọng người nuôi mới cần lưu ý

Nhận biết nhu cầu tiêu thụ tôm ngày càng tăng nên hiện nay không ít bà con đã chuyển hướng sang nghề nuôi tôm với hy vọng “đổi đời”. Song, để vụ mùa đạt năng suất cao đòi hỏi bà con phải chọn đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện nuôi trồng, nắm vững các kỹ thuật nuôi và quản lý các chỉ tiêu môi trường nước nuôi tôm hiệu quả.

Các chỉ tiêu môi trường nước nuôi tôm quan trọng người nuôi mới cần lưu ý

Lựa chọn đất, nguồn nước và cải tạo ao nuôi tốt ngay từ đầu là việc làm quan trọng trước mỗi vụ nuôi. Cùng với đó, các chỉ tiêu môi trường nước ao phải được kiểm soát chặt chẽ bởi đây là yếu tố then chốt quyết định đến khả năng sống và sinh trưởng của tôm, cũng như quyết định hiệu suất của cả mùa vụ.

Nhiều bà con có thâm niên thường ví von rằng “nuôi tôm là nuôi nước” bởi môi trường nước không bị ô nhiễm, các chỉ tiêu ổn định sẽ giúp tôm phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu, lớn nhanh và ngược lại.

Các chỉ tiêu môi trường nước nuôi tôm quan trọng cần lưu ý

Theo QCVN 02-19 : 2014/BNNPTNT, các chỉ tiêu môi trường nước nuôi tôm quan trọng gồm: Nhiệt độ, độ mặn, độ trong, pH, độ kiềm, nồng độ Oxy hòa tan, nồng độ H2S, nồng độ NH3, nồng độ NO2-, các khoáng chất: Mg, Ca, K. Ngay sau đây, KPTCHEM sẽ cùng bà con tìm hiểu cụ thể hơn về các chỉ tiêu này.

Lưu ý: Chất lượng nước ao tôm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguồn nước, chất đất, chế độ cho ăn, thời tiết, công nghệ kỹ thuật, khả năng quản lý ao nuôi,… vì thế cần được kiểm tra liên tục trong suốt vụ nuôi để phát hiện bất thường và xử lý kịp thời.

Nhiệt độ

Tôm rất nhạy cảm khi môi trường sống - nhất là nhiệt độ - trong ao biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng của chúng. Cụ thể, khi nhiệt độ trong ao tăng cao (trên 32oC), tôm cần nhiều oxy để tăng cường hô hấp và có xu hướng kiếm ăn nhiều hơn, song, khả năng tiêu hóa của tôm có giới hạn khiến chúng không thể hấp thụ hoàn toàn các dưỡng chất. Đây là nguyên nhân khiến chi phí thức ăn tăng cao trong khi tôm vẫn chậm lớn.

Vào những ngày nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trong ao có thể đạt 35oC trở lên, khi đó những cá thể tôm dưới một tháng tuổi không có khả năng sống sót. Thậm chí, khi nhiệt độ trong ao trên 40oC thì tôm nuôi sẽ chết đồng loạt.

Ngược lại, khi nhiệt độ thấp dưới 26oC khiến quá trình trao đổi chất của tôm giảm mạnh, tôm chậm ăn và phát triển chậm kéo theo quá trình lột xác bị kéo dài.

Do nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thời tiết thường xuyên thay đổi nên đây là yếu tố môi trường rất quan trọng mà người nuôi cần lưu ý xuyên suốt vụ nuôi.

Oxy hòa tan (DO)

Cũng như bao loài sinh vật khác sống dưới nước, tôm cần cung cấp đủ oxy để thở. Để tôm phát triển tốt, lượng DO cần được đảm bảo > 3,5mg/l và nên duy trì ở mức > 5mg/l. Khi ao nuôi bị thiếu oxy hòa tan sẽ xuất hiện một số dấu hiệu như:

  • Tôm kéo đàn, bơi lờ đờ trên mặt nước và quanh bờ
  • Tôm bị ngạt dẫn đến tiêu hóa kém, giảm ăn gây ra dư thừa thức ăn trong ao
  • Xuất hiện tình trạng chết rải rác hoặc chết hàng loạt tùy mức độ thiếu oxy
  • Các vi sinh vật yếm khí tích tụ dưới đáy ao có cơ hội phát triển mạnh mẽ làm bùng phát dịch bệnh

Nếu không kịp thời tăng lượng DO sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tôm, tôm phát triển chậm, giảm số lượng và chất lượng, thời gian nuôi kéo dài phát sinh nhiều chi phí, giảm lợi nhuận.

Độ pH

Ngưỡng pH lý tưởng cho tôm phát triển tốt từ 7 - 8,8 (tùy đối tượng nuôi), đồng thời biến động pH trong ngày không được vượt quá 0,5. Dù vậy, độ pH chịu ảnh hưởng lớn từ nhiệt độ và thời tiết nên rất dễ thay đổi, khi vượt ra khỏi ngưỡng cho phép sẽ không tốt cho khả năng sinh trưởng của tôm.

  • Khi pH tăng cao: dẫn đến nồng độ NH3 trong nước tăng khiến tôm nuôi bị ngộ độc, giảm sức đề kháng và dễ nhiễm bệnh, tôm có hiện tượng bị ngạt và nổi đầu,…
  • Khi pH quá thấp: bùng phát khí độc H2S gây ngạt tôm, giảm sức để kháng; khả năng tích trữ khoáng trong cơ thể tôm bị giảm khiến tôm bị mềm vỏ, lột xác không hoàn toàn,…

Thế nhưng, một số bà con thường chủ quan và không thường xuyên kiểm tra độ pH mặc dù đây là việc làm quan trọng. Việc phát hiện và cân bằng lại pH sớm sẽ không làm suy yếu sức khỏe tôm.

Độ mặn

Mỗi loài tôm có khả năng chịu mặn và sinh trưởng trong môi trường có độ mặn khác nhau, ví dụ: tôm sú có thể chịu mặn 3 - 45‰ (lý tưởng 15 - 20‰), tôm thẻ chân trắng có thể chịu mặn 2 - 40‰ (lý tưởng 10 - 25‰). Nếu độ mặn tăng cao tôm sẽ chậm lớn. Ngược lại, nếu độ mặn xuống thấp hơn 5‰ tôm sẽ bị mềm vỏ, đề kháng giảm, dễ bị dịch bệnh,… do ao nuôi thiếu các dưỡng chất vô cơ.

Độ kiềm (kH)

Chỉ tiêu này đánh giá khả năng trung hòa axit của nước, được do lường bằng đơn vị mg/l CaCO3. Bà con nên kiểm tra định kỳ mỗi 3-5 ngày bởi độ kiềm rất dễ biến động nhưng lại có ảnh hưởng trực tiếp đến biến động pH trong ao nuôi: khi độ kiềm cao thì độ pH ít dao động, ngược lại độ kiềm thấp thì pH biến đổi mạnh khiến tôm bị stress, tăng trưởng chậm,…

  • Đối với tôm thẻ chân trắng: độ kiềm thích hợp là 120 - 180mg CaCO3/l.
  • Đối với tôm sú: độ kiềm thích hợp là 80 - 120mg CaCO3/l.

Độ trong

Độ trong của nước nuôi tôm là chỉ tiêu tương đối quan trọng bởi chúng phản ánh lượng phù sa lơ lửng và sự phát triển của quần thể vi sinh vật (tảo, phiêu sinh, vi khuẩn,...), nước quá trong hoặc quá đục đều không tốt cho sự phát triển của tôm. Các chuyên gia khuyến cáo độ trong của nước nuôi tôm lý tưởng là từ 30 - 35cm. Bởi:

  • Nước quá đục: trong ao nuôi có nhiều phù sa, ngăn cản ánh sáng chiếu sâu xuống nước gây ức chế sự phát triển của tảo và thực vật phù du làm giảm hàm lượng oxy tự nhiên được sản xuất trong ao.
  • Nước quá trong: ao nghèo dinh dưỡng khiến nguồn thức ăn tự nhiên của tôm bị ít đi.

Độ cứng (gH)

Độ cứng được tính bằng đơn vị mg/l CaCO3, tương tự như độ kiềm, nhưng độ cứng phản ánh tổng lượng khoáng quan trọng cho tôm là Canxi (Ca), Magie (Mg). Độ cứng của nước nuôi tôm lý tưởng từ 20 - 150ppm, nếu gH cao vượt ngưỡng 300ppm tôm sẽ khó lột vỏ và tăng trưởng chậm. 

Nitrit (NO2-)

Đây là một trong những chỉ tiêu môi trường cực kỳ quan trọng mà người nuôi tôm cần chú ý nhất bởi đây là chất độc với tôm nuôi. Nitrit sẽ được hấp thụ qua mang và ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm. Cụ thể, Nitrit sẽ tác dụng với máu và gây cản trở cho quá trình vận chuyển oxy khiến tôm chậm phát triển, èo ọt, sức đề kháng yếu và có thể gây chết tôm. Theo TCVN, nồng độ NO2- trong ao tôm cần phải dưới mức 5mg/l NO2-.

Nitrat (NO3-)

Nếu như Nitrit gây hại thì Nitrat lại hoàn toàn không độc và tôm không bị ảnh hưởng khi NO3- có nồng độ ở 900mg/l. Bên cạnh đó, Nitrat còn là dưỡng chất để tảo phát triển. Dù vậy, nếu nồng độ NO3- quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng phú dưỡng, khi đó tảo độc sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ khiến ao bị thiếu oxy hòa tan và làm giảm chất lượng nước.

Amoniac (NH3)

NH3 là một loại khí độc thường thấy trong các ao nuôi, ảnh hưởng trực tiếp để khả năng sinh trưởng của tôm, có thể làm giảm tốc độ lớn của tôm đến 50%. Theo TCVN, nồng độ Amoniac trong nước nuôi tôm hông được vượt ngưỡng 0,3mg/l và tối ưu nhất là 0,1mg/l.

Hydro Sulfide (H2S)

H2S được mệnh danh là “hung thủ gây ra cái chết thầm lặng” trong ao tôm. Loại khí độc này được tạo thành do quá trình phân hủy chất hữu cơ (xác tôm lột, thức ăn thừa, phân tôm,…) tích tụ trong ao của vi khuẩn yếm khí. Sự xuất hiện của H2S là nguyên nhân khiến bùn đáy có màu đen và mùi trứng thối.

Bên cạnh NO2- và NH3, H2S là chất cực độc đối với tôm nuôi. Thậm chí, ảnh hưởng của H2S lên sức khỏe tôm rất nặng nề bởi tôm có thói quen sống và hoạt động gần lớp bùn, nên khi:

  • Ở mức 0,1 - 0,2 mg/l: tôm bị stress, mệt mỏi.
  • Khi nồng độ H2S trong nước đáy ao từ 0,8 mg/l trở lên tôm sẽ chết từ từ và chìm đáy, cho dù oxy cao.
  • Nếu nồng độ H2S đạt ngưỡng 4mg/l thì tôm sẽ chết ngay lập tức.

Theo TCVN, nồng độ H2S cho nước nuôi tôm được vượt quá 0,05 mg/l. Cùng với đó là việc bà con cần thường xuyên kiểm tra nồng độ Hydro Sulfide để phát hiện và xử lý kịp thời.

Như vậy, KPTCHEM vừa chia sẻ đến bà con những chỉ tiêu môi trường nước nuôi tôm quan trọng. Trong đó, các chỉ tiêu như DO, NO2, NH3, H2S có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tôm cần được kiểm tra định kỳ, những bộ test nước nhanh Sera sẽ là “người bạn đồng hành” không thể thiếu giúp phát hiện sự bất thường nhanh chóng và chính xác. Hy vọng với những kiến thức trên đây sẽ giúp ích cho bà con quản lý ao nuôi hiệu quả, tôm khỏe và vụ nuôi đạt năng suất cao.

 
  • Từ khóa liên quan:
  • các chỉ tiêu môi trường nước nuôi tôm
  • quản lý chất lượng nước trong ao nuôi tôm
Online Support
0908 901 955
0909 576 800