Tiếp xúc với axit H2SO4 có thể gây bỏng nặng, tổn thương mắt, phổi hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết sau sẽ hướng dẫn cách xử lý tai nạn hóa chất khẩn cấp giúp bạn an tâm khi sử dụng.
Trong các phòng thí nghiệm, nhà máy công nghiệp hoặc kho hóa chất, việc sử dụng axit H2SO4 (hay axit sulfuric) là điều không thể tránh khỏi. Dù được dùng phổ biến là vậy, nhưng đây là một trong những hóa chất được phân loại đặc biệt nguy hiểm.
Axit H2SO4 nguy hiểm như thế nào?
Không đơn giản mà axit sulfuric được mệnh danh là “vua của các loại axit”, không chỉ bởi tầm quan trọng trong công nghiệp, mà còn vì tính chất hóa học đặc biệt mạnh và mức độ nguy hiểm cao nếu không được xử lý đúng cách.

Axit Sulfuric (H2SO4) - hóa chất phổ biến nhất nhưng cũng rất nguy hiểm. Ảnh: Shutterstock.
Đầu tiên, hóa chất này là một loại chất lỏng không màu hoặc hơi vàng, nặng hơn nước nhưng lại có khả năng hút ẩm cực mạnh và phản ứng dữ dội với nước, cũng như các chất hữu cơ. Chính đặc điểm “háo nước” này khiến H2SO4 trở thành một chất ăn mòn cực mạnh, nhất là khi tiếp xúc trực tiếp với mô sống (da, mắt, niêm mạc…), nó lập tức hút nước, tỏa nhiệt và gây ra các vết bỏng hóa chất nghiêm trọng, đôi khi không thể phục hồi.
Điều khiến axit sulfuric nguy hiểm hơn nhiều loại axit khác là vì nó không chỉ gây bỏng hóa học đơn thuần, mà còn có thể đốt cháy mô theo cơ chế khử nước, tạo ra các vết thương có tính phá hủy cao. Không giống như những axit yếu thường gây kích ứng ngoài da, loại hóa chất ăn mòn cực mạnh này có thể tạo thành vết bỏng đen sạm, phồng rộp, hoại tử hoặc để lại sẹo vĩnh viễn chỉ sau một vài phút tiếp xúc. Nếu bắn vào mắt, nguy cơ mù lòa gần như chắc chắn nếu không được xử lý kịp thời. Tương tự, nếu hít phải hơi hoặc sương axit phát sinh trong quá trình xử lý hóa chất, người bị phơi nhiễm có thể bị viêm phổi hóa chất cấp tính với những biểu hiện như ngứa rát mũi họng, ho liên tục, khó thở, thậm chí tổn thương phổi không hồi phục (các dấu hiệu tương tự khi sử dụng các chất tẩy rửa cống tại nhà có thành phần chính là axit sulfuric).
Nghiêm trọng hơn, nếu vô tình nuốt hoặc uống nhầm axit này có thể phá hủy niêm mạc miệng, thực quản và dạ dày, gây bỏng nội tạng, sốc phản vệ và tử vong nhanh chóng. Nạn nhân thường rơi vào trạng thái nguy kịch nếu không được cấp cứu kịp thời.
Một điểm nữa cần lưu ý là axit sulfuric không có mùi đặc trưng mạnh như amoniac hay clo, khiến việc phát hiện khí của nó trong không khí ở nồng độ thấp trở nên khó khăn. Khi hiện tượng như cay mắt, khó thở bắt đầu xuất hiện, người phơi nhiễm thường đã tiếp xúc trong thời gian tương đối dài. Chính vì vậy, bất kỳ ai làm việc trong môi trường có axit H2SO4 cũng cần có kiến thức đầy đủ về cách phòng ngừa, sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân và xử lý khẩn cấp khi xảy ra sự cố.
Làm gì khi tiếp xúc với axit H2SO4? Các bước xử lý tai nạn hóa chất khẩn cấp từ chuyên gia
Tai nạn hóa chất do axit H2SO4 không phải chuyện hiếm. Vào năm 2022, tại Lào Cai, một nhà máy phân bón đã gặp sự cố xả khí axit sulfuric khiến nhiều người dân quanh vùng bị ho, cay mắt, ngạt thở, cây cối héo rũ chỉ sau vài giờ. Hay vụ việc xảy ra tại Công ty JIC Việt Nam (An Giang) vào năm 2023, một bồn chứa axit sulfuric nồng độ cao bất ngờ rò rỉ gần 3 tấn axit, khiến công nhân hoảng loạn và cả khu xử lý nước thải bị ảnh hưởng. May mắn là sự cố được khống chế kịp thời nhờ quy trình ứng phó chuyên nghiệp.
Từ những dữ liệu kể trên cho thấy, nhiều vụ tai nạn hóa chất xảy ra chỉ vì sơ suất nhỏ hoặc thiếu hiểu biết trong xử lý khẩn cấp, những vụ việc như vậy nhấn mạnh mức độ nguy hiểm tiềm ẩn của loại hóa chất này. Do đó, biết cách phản ứng đúng khi tiếp xúc với hóa chất H2SO4 có thể là yếu tố sống còn.
1. Đối với vùng da bị dính axit
Bước 1: Loại bỏ quần áo bị nhiễm axit. Ngay lập tức cởi bỏ mọi vật dụng (quần áo, găng tay, giày dép…) dính axit để tránh lan rộng vùng tổn thương.
Bước 2: Rửa bằng nước sạch liên tục ít nhất 15-30 phút. Dùng nước mát (nước máy, nước sạch) rửa trực tiếp lên vùng bị ảnh hưởng. Việc này cực kỳ quan trọng để làm loãng và cuốn trôi axit, hạn chế phản ứng ăn mòn tiếp diễn.
Bước 3: Đến cơ sở y tế. Dù vết bỏng có vẻ nhẹ, cũng nên đến bệnh viện để được sát trùng, theo dõi và tránh biến chứng.
Đừng quên ghi nhớ cách làm sạch vết axit sulfric chảy tràn bởi hóa chất bị đổ ra ngoài do vô tình trong lúc thông tắc cống, làm thí nghiệm, hay bị rò rỉ khi đang cất giữ chúng trong nhà kho đều có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách.
2. Khi bị axit bắn vào mắt
Bước 1: Rửa mắt ngay lập tức trong ít nhất 15-20 phút. Sử dụng nước sạch, nước muối sinh lý hoặc vòi rửa mắt chuyên dụng. Giữ mắt mở khi rửa.
Bước 2: Không được chà xát hay nhỏ thuốc. Việc này có thể khiến axit lan rộng hoặc làm tổn thương giác mạc.
Bước 3: Đến bệnh viện chuyên khoa mắt ngay lập tức. Một giây chậm trễ có thể đổi lấy tổn thương thị lực vĩnh viễn.
3. Khi hít phải hơi axit
Bước 1: Rời khỏi khu vực nhiễm độc. Nhanh chóng di chuyển đến nơi thông thoáng.
Bước 2: Cho thở oxy nếu có điều kiện y tế hỗ trợ. Hơi axit H₂SO₄ có thể làm tổn thương niêm mạc mũi, phổi và đường hô hấp trên.
Bước 3: Đến bệnh viện để kiểm tra phổi. Sự cố tại Lào Cai đã chứng minh rằng ngay cả khi không tiếp xúc trực tiếp với axit lỏng, chỉ cần hít phải khí axit trong không khí, hậu quả cũng không thể xem nhẹ.
4. Khi nuốt nhầm axit
-
Không gây nôn.
-
Không uống sữa, nước, hoặc bất kỳ hóa chất trung hòa nào.
-
Gọi cấp cứu ngay lập tức.
-
Nếu có thể, cung cấp thông tin về loại axit (nồng độ, dạng lỏng hay đặc).
Như vậy, KPTCHEM vừa chia sẻ đến bạn những cách xử lý khẩn cấp khi tiếp xúc với axit sulfuric. Mức độ nguy hiểm của hóa chất này không chỉ đến từ tính chất hóa học của nó, mà còn nằm ở chỗ sự bất cẩn nhỏ nhất cũng có thể dẫn đến hậu quả lớn. Đó là lý do vì sao mọi quy trình tiếp xúc, bảo quản và xử lý loại axit này luôn phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt, theo đúng tiêu chuẩn an toàn hóa chất.