Methanol là một loại rượu công nghiệp phổ biến, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nhiên liệu, dung môi và hóa chất. Tuy nhiên, đây cũng là một chất độc mạnh, dễ cháy nổ và thuộc nhóm chất thải nguy hại cần xử lý đặc biệt. Bài viết này, KPTCHEM sẽ giúp bạn hiểu rõ methanol từ cấu trúc, tính chất, ứng dụng đến các nguy cơ và hướng xử lý an toàn.

Trong thế giới hóa chất công nghiệp hiện đại, methanol là một cái tên không thể thiếu. Hợp chất hữu cơ đơn giản này đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực như sản xuất nhiên liệu, nhựa, dung môi, năng lượng tái tạo, sản xuất hóa chất và hàng loạt ứng dụng hóa học quan trọng khác. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài lỏng trong suốt và mùi hăng nhẹ quen thuộc là một thực thể cực kỳ độc hại, dễ cháy nổ và được xếp vào nhóm chất thải nguy hại cần xử lý đặc biệt.
Methanol là gì?
Methanol (hay metanol) là một loại rượu đơn giản nhất trong họ alcohol, còn được biết đến với tên gọi khác là rượu methyl (methyl alcohol) hoặc rượu gỗ, hay đơn giản là MeOH. Công thức methanol là CH3OH (hoặc CH4O) gồm một nhóm methyl (-CH3) liên kết với một nhóm hydroxyl (-OH), tạo nên một phân tử có tính phân cực cao, dễ tan trong nước và trong hầu hết các dung môi hữu cơ phân cực. Ở điều kiện thường, metanol tồn tại dưới dạng chất lỏng không màu, dễ bay hơi, có mùi nhẹ đặc trưng, tương tự như ethanol nhưng độc hơn nhiều lần.
Nếu như ethanol an toàn cho con người sử dụng thì cồn metanol lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe và môi trường. Chỉ cần một lượng nhỏ chất này đi vào cơ thể qua đường uống, hít hoặc hấp thu qua da có thể gây ngộ độc nặng. Trong cơ thể người, nó bị oxy hóa tạo thành hai chất cực kỳ độc là formaldehyde và axit formic, có khả năng gây tổn thương thần kinh, mù mắt, suy gan thận, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời. Vì vậy, rượu methyl không được dùng để uống.
Về mặt vật lý, methanol có khối lượng phân tử 32,04 g/mol, nhiệt độ sôi khoảng 64,7°C và mật độ riêng khoảng 0,7918 g/cm³ ở 20°C. Nhờ điểm sôi thấp, chất lòng này bay hơi nhanh và có thể gây nguy hiểm khi tích tụ hơi trong không gian kín, dễ bắt cháy khi gặp nguồn nhiệt hoặc tia lửa, tạo thành ngọn lửa xanh gần như không nhìn thấy được trong điều kiện ánh sáng ban ngày.
Về mặt hóa học, hợp chất CH3OH thể hiện đầy đủ các tính chất đặc trưng của alcohol như khả năng tạo liên kết hydro, phản ứng thế nhóm hydroxyl, phản ứng oxy hóa tạo formaldehyde hoặc axit formic, và phản ứng tạo este khi tương tác với axit. Ngoài ra, loại rượu này cũng có khả năng phản ứng với kim loại kiềm (như natri, kali), giải phóng khí hydro và tạo ra alkoxide. Hay có thể được chuyển hóa thành nhiều hợp chất hữu ích như dimethyl ether (DME), formaldehyde, acetic acid hoặc thậm chí là xăng tổng hợp dưới tác dụng của xúc tác thích hợp thông qua các quá trình hóa dầu phức tạp.
Ứng dụng methanol trong thực tiễn
Không chỉ đơn thuần là một hóa chất phòng thí nghiệm. Trên thực tế, methyl alcohol là nguyên liệu đầu vào cực kỳ quan trọng trong công nghiệp hiện đại. Với đặc tính là một dung môi phân cực, dễ bay hơi, dễ cháy và có hoạt tính hóa học cao cho phép nó tham gia vào nhiều phản ứng tổng hợp hữu cơ, cũng như đóng vai trò trung gian trong chuỗi sản xuất hàng loạt hợp chất có giá trị kinh tế và kỹ thuật cao.

Methanol là một loại cồn công nghiệp không dùng để uống mà chủ yếu được sử dụng để tạo nhiên liệu, dung môi và chất chống đông. Ảnh: Chemical Safety Facts.
Làm nguyên liệu sản xuất hóa chất
Trong ngành công nghiệp hóa chất, metanol được dùng làm nguyên liệu cơ bản để tổng hợp formaldehyde - một hóa chất trung gian quan trọng trong sản xuất nhựa phenol-formaldehyde, nhựa urê-formaldehyde và các loại keo dán gỗ công nghiệp. Đây là lĩnh vực tiêu thụ methanol lớn nhất toàn cầu.
Ngoài ra, metanol còn được sử dụng để điều chế axit acetic (tiền chất của nhiều este, polyme, phụ gia thực phẩm), hay hợp chất MTBE thường được dùng làm phụ gia chống kích nổ trong xăng (tăng chỉ số octan), góp phần cải thiện hiệu suất đốt và giảm phát thải độc hại từ động cơ đốt trong.
Làm dung môi công nghiệp
Rượu gỗ còn được sử dụng rộng rãi trong các quy trình tách chiết, rửa, tinh chế và phản ứng hóa học trong công nghiệp dược phẩm, sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm và vật liệu phủ bề mặt. Tính phân cực và khả năng hòa tan của nó đối với nhiều hợp chất hữu cơ và vô cơ giúp nó trở thành môi trường phản ứng lý tưởng trong tổng hợp hữu cơ và trong các hệ xúc tác đồng thể.
Làm nhiên liệu
Một hướng ứng dụng ngày càng được chú trọng trong những năm gần đây là việc sử dụng methanol làm nhiên liệu. Điều này đang mở ra tiềm năng lớn trong xu thế chuyển dịch sang năng lượng sạch và tái tạo.
Cụ thể, methyl alcohol có thể được sử dụng trực tiếp dưới dạng M100 (nguyên chất) hoặc pha trộn với xăng để tạo ra hỗn hợp nhiên liệu thay thế. Một số công nghệ còn cho phép chuyển đổi rượu methyl thành xăng thông qua quy trình MTG, hoặc làm nhiên liệu cho pin DMFC trong các thiết bị di động và phương tiện giao thông.
Trong y tế và dược phẩm
Chủ yếu được sử dụng làm dung môi phản ứng và môi trường chiết tách trong tổng hợp hóa dược. Nhờ tính phân cực cao và khả năng hòa tan tốt, rượu methyl thường có mặt trong các quy trình điều chế dẫn xuất ester, amid, hoặc các hợp chất dị vòng quan trọng trong sản xuất thuốc.
Trong phân tích kiểm nghiệm, nó là thành phần phổ biến của pha động trong sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) - giúp xác định hàm lượng, độ tinh khiết và theo dõi dược động học của hoạt chất. Ngoài ra, MeOH cũng là tiền chất để sản xuất formaldehyde và DMSO - những hợp chất được sử dụng trong bảo quản mẫu sinh học và tổng hợp dược phẩm chuyên dụng.
Trong phòng thí nghiệm
CH3OH là một dung môi phổ biến trong sắc ký, phân tích hóa học và điều chế các chất hữu cơ phức tạp. Nó được dùng trong bảo quản mẫu sinh học và là thành phần của nhiều dung dịch chuẩn phân tích. Tuy nhiên, người sử dụng cần tuyệt đối tuân thủ quy trình an toàn vì cồn công nghiệp có thể hấp thụ qua da và gây ngộ độc nghiêm trọng.
Ứng dụng khác
Ngoài những ứng dụng kể trên, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và xử lý nước thải, cồn metanol đôi khi được sử dụng như nguồn carbon bổ sung để thúc đẩy quá trình khử nitrat trong các hệ xử lý sinh học. Đây là một ứng dụng gián tiếp nhưng mang tính kỹ thuật cao, đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ vì tính độc hại của CH3OH nếu phát tán không kiểm soát.
Sản xuất methanol trong công nghiệp như thế nào?
Dù đơn giản về mặt cấu trúc, nhưng quá trình điều chế ra hợp chất CH3OH lại đòi hỏi công nghệ tiên tiến và kiểm soát chặt chẽ các điều kiện phản ứng. Việc sản xuất ngày nay không chỉ phục vụ nhu cầu công nghiệp mà còn gắn liền với các chiến lược phát triển năng lượng bền vững.
Nhìn lại lịch sử, metanol ban đầu được thu nhận bằng phương pháp chưng khô gỗ (nên nó có tên là rượu gỗ), một quá trình nhiệt phân yếm khí nguyên liệu lignocellulose. Quá trình này tạo ra hỗn hợp khí và lỏng chứa cồn cùng với nhiều hợp chất hữu cơ khác như acetic acid, acetone và hắc ín. Tuy nhiên hiệu suất thấp, tạp chất cao và không thân thiện với môi trường khiến phương pháp này sớm bị thay thế bởi công nghệ tổng hợp hiện đại.

Bên trong nhà máy sản xuất metanol tại nhà máy Kassø Power-to-X (Đan Mạch). Ảnh: European Energy.
Ngày nay, hợp chất lỏng dễ bay hơi này được điều chế chủ yếu thông qua quá trình tổng hợp khí (syngas), trong đó hỗn hợp khí CO, CO2 và H2 được chuyển hóa thành CH3OH dưới điều kiện xúc tác, nhiệt và áp suất cao. Nguồn khí tổng hợp thường được thu từ khí tự nhiên, khí hóa than và khí hóa sinh khối. Ví dụ, các bước sản xuất methanol trong công nghiệp với nguồn khí tự nhiên (chủ yếu là methane) được diễn ra như sau:
- Bước 1: Methane được đưa vào quá trình reforming với hơi nước ở nhiệt độ cao để tạo ra khí tổng hợp.
CH4 + H2O ⇌ CO + 3H2 (ΔH > 0)
- Bước 2: Khí tổng hợp sau đó được đưa qua hệ xúc tác (thường là Cu/ZnO/Al2O4) ở điều kiện khoảng 200-300°C và áp suất 50-100 bar.
CO + 2H2 ⇌ CH3OH (ΔH < 0)
CO2 + 3H2 ⇌ CH3OH + H2O (ΔH < 0)
Quá trình này là một chuỗi cân bằng hóa học thuận nghịch, phụ thuộc mạnh vào điều kiện nhiệt độ, áp suất và tỷ lệ mol các thành phần trong hỗn hợp khí. Vì các phản ứng đều tỏa nhiệt, nhiệt độ thấp sẽ giúp dịch chuyển cân bằng về phía tạo sản phẩm. Tuy nhiên, quá thấp lại làm giảm tốc độ phản ứng, do đó cần tối ưu hóa điều kiện vận hành để đạt hiệu suất cao nhất. Ngoài ra, hệ xúc tác phải đảm bảo độ hoạt động và độ chọn lọc cao, đồng thời duy trì tính ổn định sau nhiều chu kỳ phản ứng.
- Bước 3: Cồn methanol sau khi hình thành được ngưng tụ và tách khỏi hỗn hợp khí dư, tiếp theo được tinh chế thông qua chưng cất để đạt độ tinh khiết thương mại. Phần khí không phản ứng có thể được tuần hoàn trở lại lò phản ứng nhằm tăng hiệu suất sử dụng nguyên liệu.
Methanol đang thay đổi thế giới năng lượng như thế nào?
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, việc tìm kiếm các nguồn nhiên liệu thay thế có tính bền vững, phát thải thấp và khả thi về mặt công nghệ đang trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia và ngành công nghiệp. Trong số các giải pháp được nghiên cứu và ứng dụng thực tế, cồn metanol nổi lên như một ứng cử viên tiềm năng cho vai trò nhiên liệu sạch và xanh của tương lai, nhờ vào đặc tính hóa học thuận lợi, quy trình sản xuất linh hoạt và khả năng tích hợp vào hạ tầng nhiên liệu hiện có.
Mặc dù là một hợp chất đơn giản nhưng CH3OH chứa hàm lượng năng lượng đáng kể. Nó có thể được sử dụng trực tiếp trong động cơ đốt trong với ít điều chỉnh kỹ thuật, đồng thời tạo ra sản phẩm cháy chủ yếu là CO2 và hơi nước, với lượng NOX và hạt bụi thấp hơn đáng kể so với nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Đặc điểm cháy sạch, áp suất hơi cao và chỉ số octan lớn khiến loại cồn công nghiệp này trở thành lựa chọn hấp dẫn trong các ứng dụng cần hiệu suất cháy cao, từ giao thông vận tải đến công nghiệp hàng hải.

Methanol mang lại nhiều lợi thế so với nhiên liệu thông thường, bao gồm lượng khí thải CO2 thấp hơn, giảm bụi mịn và khả năng sản xuất từ các nguồn tài nguyên tái tạo. Ảnh: Market Research Intellect.
Một lợi thế then chốt của methanol là tính linh hoạt trong nguồn nguyên liệu đầu vào, bởi nó có thể được tạo ra từ khí tự nhiên, than đá, sinh khối, rác thải đô thị hoặc thậm chí từ CO2 kết hợp với hydrogen xanh. Chính điều này tạo điều kiện cho sự phát triển công nghệ sản xuất bằng các quá trình không làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Quá trình tổng hợp từ CO2 và H2 trong điều kiện xúc tác và áp suất cao không chỉ giúp tái sử dụng carbon mà còn đóng vai trò là phương tiện lưu trữ năng lượng tái tạo hiệu quả.
Cùng với đó, các nguồn sinh khối tái tạo như gỗ thải, rơm rạ, bã mía,… cũng đang được đầu tư phát triển. Nó có thể tích hợp vào chuỗi cung ứng hiện hữu mà không cần thay đổi lớn về hạ tầng kỹ thuật, cho phép ngành công nghiệp từng bước chuyển dịch sang mô hình kinh tế carbon thấp.
Ngoài việc đốt trực tiếp, rượu methyl còn có thể được chuyển hóa thành các nhiên liệu cao cấp hơn như dimethyl ether (DME) hoặc xăng tổng hợp. Đặc biệt, là nhiên liệu tiềm năng trong hệ thống pin DMFC dùng cho thiết bị điện tử di động và xe điện công suất nhỏ, nhờ vào khả năng cấp điện liên tục, nạp nhiên liệu nhanh và giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn cũng như khí thải độc hại.
Nhiều quốc gia và tập đoàn năng lượng trên thế giới đang tích cực thương mại hóa một loại nhiên liệu sạch có nguồn gốc từ rượu công nghiệp như một giải pháp thay thế bền vững. Tại Trung Quốc, hàng nghìn phương tiện đã và đang vận hành bằng loại nhiên liệu này, dưới dạng tinh khiết hoặc pha trộn, đặc biệt phổ biến ở các tỉnh có hoạt động công nghiệp mạnh. Chính phủ Trung Quốc cũng đã triển khai các chính sách khuyến khích chuyển đổi xe sử dụng loại nhiên liệu mới này nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào xăng dầu truyền thống.
Tại châu Âu, một số quốc gia như Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy và Bỉ đang đưa loại nhiên liệu gốc cồn này vào lĩnh vực hàng hải. Các tập đoàn vận tải biển lớn như Maersk đã đặt hàng loạt tàu container sử dụng động cơ tương thích, đồng thời đầu tư mạnh vào chuỗi cung ứng nhiên liệu xanh tại châu Âu và Mỹ. Một số cảng biển lớn cũng đang thí điểm hệ thống tiếp nhiên liệu chuyên dụng, đi kèm với việc phát triển tiêu chuẩn vận hành an toàn. Đặc biệt, tại Na Uy (nơi nổi tiếng với các quy định khắt khe về khí thải) loại rượu công nghiệp này đã được áp dụng cho các tuyến tàu điện phà và tàu du lịch nội địa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giao thông xanh tại khu vực Bắc Âu.
Ngoài ra, các công ty quốc tế như Carbon Recycling International (CRI, Iceland), Proman (Thụy Sĩ) và OCI (Hà Lan) đang đầu tư vào các nhà máy sản xuất methanol xanh quy mô lớn, sử dụng khí CO2 thu giữ từ công nghiệp kết hợp với hydro xanh - một hướng đi then chốt cho việc khép kín chu trình carbon và thương mại hóa nhiên liệu sạch trong tương lai gần.
Dù vẫn còn nhiều thách thức (chi phí sản xuất, cơ sở hạ tầng,...) cần vượt qua để methanol thực sự trở thành nhiên liệu chủ lực, nhưng với khả năng tận dụng nguồn nguyên liệu đa dạng, công nghệ sản xuất ngày càng cải tiến và xu thế khử carbon toàn cầu, loại nhiên liệu xanh này đang ngày càng khẳng định vị thế như một mắt xích trung gian quan trọng giữa nhiên liệu truyền thống và nền kinh tế hydro. Trong dài hạn, khi chi phí sản xuất methanol xanh được tối ưu hóa và hệ sinh thái hạ tầng được mở rộng, methanol hoàn toàn có thể trở thành trụ cột trong chiến lược năng lượng bền vững của thế giới.